Cuốn sách chuyên khảo Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 (do NXB Hà Nội và Omega Plus vừa ấn hành) là sự tổng hợp từ nhận thức, khái niệm cho đến những đặc điểm, cơ cấu, hình thức của hoạt động Quốc hội. Những điều đó được đánh giá thành một phần văn hóa chính trị của Việt Nam được gọi theo ngôn ngữ hiện đại là văn hóa nghị trường - những thứ mà chúng ta cần phải học hỏi, cần phải trao đổi và cần phấn đấu làm cho bằng được trong tương lai.
Lập pháp là một trong ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, một thiết chế được sinh ra trong lòng nhân loại một cách muộn màng nhất nhưng lại được giao trọng trách nặng nề nhất và cũng khó khăn nhất trong việc tạo nên hiệu năng cho mọi quyết sách của quốc gia.
Nhìn lại lịch sử của quyền lập pháp là một vấn đề rất lớn cả trong lý thuyết và trên thực tiễn, đòi hỏi không những phải phân tích được các dòng tư tưởng khác nhau của các tư tưởng gia, mà còn cả thực tiễn hình thành quyền lập pháp, sự tác động qua lại giữa thực tiễn và tư tưởng, và cả chiều ngược lại, sự tác động giữa tư tưởng đến thực tiễn áp dụng tại các quốc gia.
Quyền lập pháp không chỉ giản đơn được hiểu là quyền ban hành các đạo luật, mà cần phải được hiểu rộng hơn nữa, bao gồm tất cả các hoạt động của Quốc hội, từ việc thảo luận, tranh luận, thông qua các dự thảo luật, đến quyền thành lập và giám sát các cơ quan nhà nước khác.
Tác phẩm do GS.TS Nguyễn Đăng Dung làm chủ biên, ông là một chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam chuyên nghiên cứu về Luật Hiến pháp – Hành chính, hiện đang nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, đồng thời ông còn giảng dạy tại khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội).
GS.TS Nguyễn Đăng Dung ngoài làm chủ biên sách chuyên khảo Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, ông còn tác giả của nhiều tác phẩm lớn: Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Lịch sử các học thuyết chính trị, Giáo trình xây dựng văn bản pháp luật, Quyền lập pháp, Sự hạn chế quyền lực nhà nước... được viết công phu và rất có giá trị.
Bình luận (0)