Quyền lợi chính đáng của người dân bị 'treo' vì QĐ 60

13/10/2020 11:07 GMT+7

Luật sư Nguyễn Văn Tâm khẳng định như vậy khi nói về những bất cập liên quan Quyết định 60 tại tọa đàm "Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới" do báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (13.10).

LS Nguyễn Văn Tâm, Trưởng văn phòng LS Tâm Pháp Quyền, chia sẻ: Suốt 3 năm nay, văn phòng luật của ông đã có nhiều văn bản gửi Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp, UBND TP nêu nhiều bất cập của QĐ 60.
Cụ thể, về mặt pháp lý, văn bản do cấp TP ban hành phải dựa vào các văn bản cao hơn, đã ban hành trước đó là Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ nhưng QĐ 60 ban hành quy định cho nhiều loại đất không được nêu trong Luật Đất đai, Nghị định 01. UBND cấp tỉnh được quyền quy định hạn mức, diện tích tối thiểu khi tiến hành tách thửa nhưng QĐ 60 của TP.HCM không chỉ quy định hạn mức tối thiểu mà còn cho luôn các quyền được tách loại đất này, loại đất khác. Nghĩa là, văn bản này đã có sự vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chưa kể, QĐ 60 phân ra rất nhiều loại đất dựa theo các đồ án quy hoạch đã được lập từ rất lâu nên không còn phù hợp với các quy định pháp luật mới ban hành sau này. Trong khi đó, khi người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì dù là đất dân cư xây dựng mới hay dân cư xây dựng mới chỉnh trang... thì đều thực hiện nghĩa vụ tài chính giống nhau. Như vậy, về cơ bản các loại đất mà QĐ 60 ban hành cũng chỉ là 1 loại đất dân cư đô thị hoặc dân cư nông thôn.
Về mặt thực tiễn, việc tách thửa bảo đảm nhu cầu thiết thực làm ăn, sinh sống, đảm bảo quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người dân. Cấm người dân tách thửa là vô hình chung xâm phạm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản đã được pháp luật bảo vệ. Đối với tách thửa đất nông nghiệp, QĐ 60 quy định cấm tách thửa đối với một số trường hợp không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế, người dân vẫn tiến hành trồng cây, tăng gia sản xuất vì mục đích sử dụng đất ghi rõ là đất lúa, đất trồng cây hàng năm. Trong quá trình sản xuất, người dân có nhu cầu tách, nhập thửa, nếu cấm thì tiếp tục vi phạm Luật Đất đai.
"Trong QĐ 60 cũng có nói trường hợp xây dựng mới được tách thửa sau 3 năm trở lên kể từ ngày rà soát quy hoạch. Nhưng cơ quan nào rà soát, thời điểm rà soát là khi nào thì không định rõ, chỉ rõ được. Hầu hết các địa phương không thực hiện việc rà soát quy hoạch vì khối lượng quá lớn, có làm thì cũng mất rất nhiều thời gian. Do đó, quy định như vậy không khác gì một cách thách đố", ông Tâm đánh giá.
Dẫn câu chuyện của chính bản thân sở hữu 1 khu đất khoảng 500 m2, xung quanh là khu dân cư tự phát, kế bên có dự án bất động sản, muốn tách thửa cho dễ bán, làm hạ tầng, đóng góp cho Nhà nước nhưng vì đất thuộc quy hoạch khu dân cư quy hoạch mới nên không tách được, trong khi khu dân cư tự phát kế bên người dân tự xây nhà, chủ đất tự bán giấy tay... LS Nguyễn Văn Tâm khẳng định việc hạn chế tách thửa trên chính quyền lợi của người dân sẽ kéo theo các hệ lụy như xây dựng không phép, trái phép, có phép thì cũng mua bán nhà theo hình thức vi bằng, giấy tay, "sổ chui" vì nhu cầu thực tế vẫn có.
"QĐ 60 hạn chế, cấm tách thửa trong 1 số trường hợp đã vi phạm quyền của người dân, hạn chế nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất, gây thất thu đầu vào cho ngân sách nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng, giúp họ khai thác tài sản hiệu quả, giúp thị trường bất động sản sôi động mà còn giúp Nhà nước huy động được lượng thu ngân sách rất lớn đóng góp cho sự phát triển của TP", ông Tâm khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.