Hầu hết nhân viên bảo vệ rừng này đã có thâm niên từ 15-30 năm gắn bó với rừng, thuộc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ các huyện.
Thu nhập của hàng trăm con người này bị “trói” kể từ năm 2017, khi áp dụng Thông tư 21/2017 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 886 ngày 16.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Thông tư này không hướng dẫn nguồn để trả lương cho lực lượng bảo vệ rừng thuộc các BQL rừng phòng hộ, khiến lãnh đạo tỉnh Nghệ An lúng túng vì không biết lấy nguồn nào để chi trả. Sở NN-PTNT Nghệ An sau đó hỏi Bộ NN-PTNT thì được trả lời lực lượng giữ rừng này áp dụng theo mức khoán rừng cho cộng đồng dân cư bảo vệ, là 100.000 đồng/ha/năm. Mức khoán này đã khiến hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Nghệ An lâm vào cảnh “sống mòn”.
Nhân viên bảo vệ rừng Nghệ An đi tuần |
K.HOAN |
Lương thấp, nhưng năm nào họ cũng bị chậm lương, đến tháng 9, tháng 10 mới được nhận lương tháng 1 và các tháng sau đó. Bí bách, có lãnh đạo BQL rừng phòng hộ đã phải “cắm” sổ đỏ của gia đình vay ngân hàng để đóng bảo hiểm cho nhân viên và cho họ tạm ứng một ít để trang trải cuộc sống.
Quyền lợi quá thấp trong khi áp lực với nhân viên giữ rừng là rất lớn vì rừng luôn bị đe dọa do nhu cầu đất trồng keo của người dân. Nếu để rừng bị chặt phá, người giữ rừng có nguy cơ đối mặt với tù tội. Từ năm 2018 đến nay, đã có 158 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng ở Nghệ An bỏ việc.
Quyết định phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2026 đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 12.7 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ra thông tư hướng dẫn thực hiện nhưng nguồn trả lương cho lực lượng bảo vệ rừng vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ. Với mức đãi ngộ này, nguy cơ người giữ rừng tiếp tục bỏ việc là hiện hữu và khi đó nguy cơ rừng bị xâm hại là rất khó tránh khỏi.
Bình luận (0)