Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quyết định xử phạt các trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài sai phạm trong liên kết đào tạo, các đơn vị đang lên phương án giải quyết quyền lợi cho học viên (HV).
Raffles: Học ở Phnom Penh!
Sáng 6.1, hàng chục phụ huynh và HV đã có mặt tại Trung tâm Raffles VN mong muốn được giải đáp thắc mắc về quyền lợi của con em mình. Trong buổi họp với một đại diện của Raffles, các phụ huynh đề nghị trung tâm phải bảo đảm quyền lợi cao nhất cho HV và phải có văn bản xác nhận về cách giải quyết.
Raffles VN cũng đã có một thông báo gửi đến phụ huynh và HV. Trung tâm cam kết thực hiện đúng quyết định xử phạt của Bộ GD-ĐT, dừng tất cả các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, tuyển sinh, đào tạo từ ngày 6.1.2012. Tất cả HV sẽ nghỉ khóa học tháng 1.2012 và Raffles VN sẽ thông báo về khóa học mới trước khi bắt đầu 2 tuần. Trong thời gian này, bộ phận quản lý HV vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để giải quyết quyền lợi cho HV.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Hwong Kee Hong - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Raffles VN, cho biết: “Chúng tôi đã có các phương án giải quyết cho HV. Nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện đầu vào, HV sẽ được Raffles VN chuyển tiếp chương trình học vào một trường thuộc hệ thống Raffles ở Úc, Singapore, Thái Lan... Vì mức học phí ở các nước này cao gấp 2-3 lần VN và để HV không phải đóng thêm học phí, phía Raffles VN sẽ lo phần chênh lệch. Tuy nhiên HV sẽ lo các chi phí khác trong quá trình học tập. Một giải pháp khác là HV có thể chuyển sang học tại Raffles Phnom Penh (Campuchia). Nếu học tại đây, toàn bộ chi phí đi lại, visa, ký túc xá, giảng viên và cơ sở đào tạo sẽ được Raffles VN sắp xếp và chi trả”.
Tuy vậy, vì các trường ở Úc, Singapore… bắt buộc phải đăng ký học từ 6 tháng trở lên nên đối với những HV sắp ra trường, ông Hwong Kee Hong cho rằng sẽ được chuyển tiếp sang Phnom Penh để hoàn tất chương trình học. Nếu phụ huynh và HV không đồng ý với các phương án Raffles VN đưa ra, họ sẽ được nhận lại học phí.
Số lượng HV mà Raffles VN phải giải quyết lần này khoảng 900 em chứ không phải gần 400 như kết luận trước đó của Bộ GD-ĐT.
|
ILA: Kiến nghị dạy hết chương trình
Sáng 6.12, bà La Ngọc Trang - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty TNHH ILA VN, cho biết: “ILA sẽ tuân thủ kết luận và quyết định xử phạt của thanh tra. Trước đó, ILA cũng đã chủ động ngưng quảng cáo, tuyển sinh chương trình CĐ quản lý kinh doanh tại cơ sở của ILA”. Bà Trang cho biết thêm: “Chương trình liên kết đào tạo này hiện chỉ còn 23 HV đang theo học khóa cuối cùng tại ILA để kết thúc vào tháng 3.2012. Do vậy, ILA dự kiến sẽ làm văn bản xin kiến nghị với thanh tra Bộ GD-ĐT giải quyết cho các HV này tiếp tục học để hoàn tất chương trình. Với các HV đã tốt nghiệp khóa học mà theo quyết định của Bộ không được công nhận tại VN, phía ILA sẽ hướng dẫn HV sử dụng chứng chỉ hoàn tất khóa học để xin việc làm ở các công ty đa quốc gia tại VN hoặc sẽ được ILA tư vấn và hỗ trợ làm thủ tục du học nước ngoài nếu có nhu cầu”.
Về vấn đề hoàn lại học phí, bà Trang cho biết ILA sẽ có buổi họp với phụ huynh HV vào tuần sau, tùy theo yêu cầu sẽ có cách giải quyết hợp lý nhất.
ERC: Ba phương án lựa chọn
Chiều cùng ngày, bà Trần Thị Nhật Hoan - Tổng giám đốc Công ty TNHH nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam) - thông tin: “Với 365 HV đang theo học tại trường, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất theo các hướng: Thứ nhất, nếu muốn chuyển tiếp sang học tại Học viện ERC ở Singapore, chúng tôi sẽ hỗ trợ miễn phí toàn bộ thủ tục. Về học phí, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ số tiền HV đã đóng ở đây sang trường tại Singapore. Nếu trường bên đó không chấp nhận mức học phí bằng với trường VN thì HV phải đóng thêm mức chênh lệch cũng như phải chịu toàn bộ chi phí ăn ở đi lại khác. Chúng tôi đang tìm hiểu một số chương trình liên kết khác ở trong nước, nếu muốn, HV có thể học ngay tại VN. Cuối cùng, nếu HV không chấp nhận các phương án trên, chúng tôi sẽ hoàn lại học phí cho HV ở các mức độ khác nhau”.
Đăng Nguyên - Hà Ánh
>> Bát nháo đào tạo liên thông
>> Bát nháo chương trình liên kết: Trách nhiệm chính thuộc về Bộ GD-ĐT
>> Bát nháo chương trình liên kết - Bài 1: Chưa cấp phép vẫn đào tạo
>> Thận trọng khi theo học chương trình liên kết quốc tế
>> Nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế
>> Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế
>> Còn nhiều chương trình trái phép
>> Tìm hiểu chất lượng chương trình liên kết quốc tế
Bình luận (0)