Chính vì thế, quốc tế cũng như ở VN đều có quy định, nếu sản phẩm nào có quá 5% thành phần từ nguyên liệu biến đổi gien, thì phải dán nhãn thực phẩm biến đổi gien. Quy định này là sự tôn trọng dành cho người tiêu dùng. Để họ có quyền lựa chọn sản phẩm theo năng lực tài chính và nhu cầu của mình. Bởi về nguyên tắc, bất cứ sản phẩm gì nếu đang còn gây tranh cãi thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ cân nhắc kỹ việc sử dụng. Đặc biệt là thực phẩm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người thì việc minh bạch càng phải khắt khe hơn.
Vì vậy, ghi rõ nguồn gốc, chất lượng, thành phần trên sản phẩm không chỉ là thực thi quy định của pháp luật mà nó cũng thể hiện sự đàng hoàng, nghiêm túc của nhà sản xuất. Việc giám sát chặt chẽ quy định này cũng sẽ tạo công bằng cho thị trường bởi xu hướng sử dụng thực phẩm hữu cơ trong xã hội ngày càng cao. Người tiêu dùng chấp nhận chi phí cao để sử dụng thực phẩm hữu cơ, nhiều doanh nghiệp chấp nhận đầu tư lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu không dán nhãn ghi rõ sản phẩm biến đổi gien thì rất dễ gây nhầm lẫn, hoang mang cho cả hai phía.
Quy định dán nhãn GMO là cần thiết nhưng hiện mới chỉ áp dụng đối với các thực phẩm đóng gói thì vẫn chưa đủ. Bởi hiện mỗi năm, VN nhập rất nhiều bắp, đậu nành từ các quốc gia hàng đầu về cây trồng biến đổi gien. Nhập làm thức ăn chăn nuôi, nhập làm nguyên liệu chế biến nước tương, dầu ăn, thậm chí được bán trực tiếp cho người tiêu dùng qua dạng sữa đậu nành, bột đậu nành thì đều xuất phát từ nguyên liệu biến đổi gien. Vì vậy cần có cơ chế quản lý, kiểm tra chặt xuất xứ nguồn gốc nhập khẩu các loại nông sản GMO. Đồng thời giám sát việc nhập khẩu, chế biến và đầu ra sản phẩm đối với nhà nhập khẩu, doanh nghiệp thực phẩm.
Cần phải nhắc lại rằng, việc dán nhãn biến đổi gien không phải vì lý do an toàn bởi như nói trên, đến nay chưa có bất cứ kết luận nào về sự mất an toàn của loại thực phẩm này. Hơn nữa, các loại thực phẩm đưa ra thị trường đều phải được phê chuẩn bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền sau khi đã kiểm tra... Nếu nhà sản xuất đứng từ góc độ này thì chẳng bận gì phải né tránh việc dán nhãn. Còn nếu vẫn không tự tin vào sản phẩm của chính mình, sợ người tiêu dùng không mua, tốt nhất là không nên đầu tư kinh doanh. Ở nhiều nước, để đảm bảo quyền lợi cũng như quyền lựa chọn của người tiêu dùng đã áp dụng phạt nặng những công ty vi phạm quy định dán nhãn GMO. VN cũng nên giám sát chặt chẽ và có chế tài nghiêm khắc với các hành vi này.
Quyền của người tiêu dùng là biết thực phẩm mình dùng được sản xuất từ nguyên liệu gì, chất lượng ra sao, giá cả thế nào. Nhưng để biết doanh nghiệp nào gian dối trong việc né tránh dán nhãn GMO thì cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát cả đầu vào lẫn đầu ra. Khi đó, người tiêu dùng sẽ thực hiện thêm một quyền nữa, đó là quyền tẩy chay các doanh nghiệp làm ăn gian dối, trả lại sự công bằng cho thị trường.
Bình luận (0)