Quyền lực ngầm ở Washington và tiếng nói về Biển Đông

12/07/2015 08:17 GMT+7

Hội tụ nhiều chuyên gia nổi tiếng, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đóng tại Washington D.C không chỉ đủ sức tác động lên chính sách của Nhà Trắng, mà còn có tiếng nói đầy ảnh hưởng trong nhiều vấn đề toàn cầu.

Hội tụ nhiều chuyên gia nổi tiếng, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đóng tại Washington D.C không chỉ đủ sức tác động lên chính sách của Nhà Trắng, mà còn có tiếng nói đầy ảnh hưởng trong nhiều vấn đề toàn cầu.

>> Chuyên gia CSIS: Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ mang tính bước ngoặt

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Bob Work (bên trái) và Tổng giám đốc CSIS John Hamre trước trụ sở CSIS - Ảnh: DOD
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Bob Work (bên trái) và Tổng giám đốc CSIS
 John Hamre trước trụ sở CSIS - Ảnh: DOD
Trên con đường Rhode Island đông đúc nằm cách Nhà Trắng khoảng 10 phút đi bộ, có một tòa nhà hiện đại không quá tấp nập người ra kẻ vào như những cao ốc khác quanh đó, nhưng lại là nơi thường xuyên có sự hiện diện của không ít chính trị gia và lãnh đạo nhiều nước trên thế giới.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại tòa nhà này. Đây chính là trụ sở của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Trong năm 2013, một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania, CSIS là viện nghiên cứu chính sách đứng đầu thế giới về vấn đề an ninh và quốc tế.
Ảnh hưởng mạnh mẽ
Ngược dòng lịch sử, vào năm 1962, CSIS được thành lập bởi hai nhân vật rất nổi tiếng là Arleigh Burke và David Manker Abshire. Trong đó, Burke là một đô đốc lừng danh của hải quân Mỹ, từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong Thế chiến 2 và chiến tranh Triều Tiên.
Lớp tàu khu trục Arleigh Burke đang chiếm vai trò chủ lực trong hải quân Mỹ ngày nay được đặt theo chính tên của ông. Trong khi đó, Abshire lại khá nổi tiếng trên chính trường bởi từng là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và từng giữ vị trí Đại sứ Mỹ tại NATO.
Khi mới thành lập, CSIS trực thuộc Đại học Georgetown ở Washington D.C. Ngay từ những ngày đầu thành lập, trung tâm này đã sớm gây chú ý bằng các chương trình nghiên cứu chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng... một cách bài bản.
Không những thế, CSIS cũng dần thu hút không ít nhân vật lẫy lừng trên chính trường Mỹ. Vào năm 1977, sau khi rời khỏi vị trí Ngoại trưởng Mỹ và “lỡ duyên” với Đại học Harvard, ông Henry Kissinger đã quyết định bỏ qua những lời mời từ các đại học lớn như Yale hay Oxford để góp sức phát triển CSIS thành một trong những viện chính sách hàng đầu thế giới. Kể từ đó, viện này lần lượt quy tụ hàng loạt nhân vật nổi tiếng khác: ông James Rodney Schlesinger (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1977 - 1979); ông William J.Crowe, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ; ông Harold Brown, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ...
Với một đội ngũ hùng hậu với các chuyên gia từng giữ nhiều trọng trách của chính phủ Mỹ, CSIS dần tạo ra không ít ảnh hưởng đối với chính sách của Nhà Trắng. Trong giai đoạn cuối của Chiến tranh lạnh, những nghiên cứu tham vấn của trung tâm này ảnh hưởng không nhỏ đến sách lược của Mỹ đối với Liên Xô và khối Đông Âu.
Sau khi những biến động chính trị ở Đông Âu diễn ra, CSIS dần chuyển sang nghiên cứu toàn diện các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, kinh tế. Kể từ đó, trung tâm này ngày càng có nhiều ảnh hưởng đối với Nhà Trắng.
Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đích thân cám ơn CSIS vì đã đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng nên chính sách của Nhà Trắng về chiến tranh mạng. Năm 2013, ông John O.Brennan, Cố vấn của Tổng thống Obama, công khai đánh giá CSIS có những phân tích quan trọng về thông tin tình báo cho Nhà Trắng.
Bất ngờ hơn, vào năm 2013, tờ Boston Globe từng tiết lộ sự thật về bản thảo phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-la 2013. Cụ thể, tờ Boston Globe khẳng định bản thảo này do CSIS cung cấp. Bên cạnh đó, ông Tom Donilon, người giữ chức Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, từng thừa nhận khi còn tại chức, ông vẫn sử dụng thông tin phân tích hằng tuần từ CSIS để đưa ra quyết định.
Những tiếng nói về Biển Đông
Biển Đông và chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á cũng như diễn biến chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò đáng kể trong số các chương trình nghiên cứu của CSIS, nhất là giữa bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, thách thức vai trò của Washington trong khu vực.
Suốt những năm qua, các chuyên gia của CSIS thường xuyên tại các diễn đàn, hội thảo quan trọng ở châu Á để trình bày những đánh giá, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nổi bật trong số chuyên gia này phải kể đến ông Ernest Z.Bower và ông Murray Hiebert của chương trình Đông Nam Á (CSIS), bà Bonnie Glaser chuyên nghiên cứu về Trung Quốc (CSIS)...
Tại Đối thoại Shangri-La vào năm 2014, bà Glaser đã thẳng thắn chỉ trích Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung lảng tránh các câu hỏi liên quan đến hành vi và việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Trước đó, tại Hội thảo Biển Đông diễn ra ở TP.HCM hồi cuối năm 2012, dù đang bị gãy chân phải bó bột, di chuyển bằng nạng nhưng bà Glaser đã không quản khó khăn, di chuyển từ Mỹ sang và đã đưa ra không ít ý kiến phản bác luận điệu của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.
Mặt khác, suốt 5 năm qua, CSIS cũng là nơi tổ chức hội thảo thường niên về vấn đề Biển Đông quy tụ rất nhiều chuyên gia hàng đầu, lãnh đạo của các nước. Theo thư thông báo do CSIS gửi đến Thanh Niên, Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 5 sẽ diễn ra vào ngày 21.7. Hội thảo lần này sẽ tập trung thảo luận, phân tích về các lựa chọn chính sách của Mỹ và châu Á đối với Biển Đông.
Dự kiến, đại biểu tham dự và thảo luận sẽ có đại diện giới nghiêu cứu của nhiều nước, bao gồm cả các bên tranh chấp. Danh sách đại biểu nổi bật gồm có: ông John Norton Moore, Giám đốc Trung tâm luật biển và chính sách - Trường đại học luật Virginia (Mỹ); Hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban hải lực và triển khai lực lượng - Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ; ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề châu Á - Thái Bình Dương.
Là một viện nghiên cứu chính sách tự chủ về tài chính nên phần lớn ngân sách của CSIS đến từ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, quỹ và cả chính phủ một số nước. Năm 2013, số tiền mà CSIS được đóng góp vào khoảng 32 triệu USD.
Hiện nay, CSIS có Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành là John Hamre, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Bên cạnh đó, CSIS còn có ban cố vấn gồm các nhân vật sau:
Ông William E. Brock, cựu thượng nghị sĩ - cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ - cựu đại diện thương mại Mỹ.
Ông Harold Brown, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Ông Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ.
Ông Frank C. Carlucci, cựu Bộ trưởng Quốc phòng - cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ.
Bà Carla A.Hills, cựu Đại diện Thương mại Mỹ.
Ông Henry A.Kissinger, cựu Ngoại trưởng - cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ.
Ông Howard Leach, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp.
Ông Richard Lugar, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại - Thượng viện Mỹ.
Ông Cardinal Theodore McCarrick, cựu Tổng giám mục Washington D.C.
Ông Sam Nunn, cựu Thượng nghị sĩ.
Ông Brent Scowcroft, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ.
Ông John Warner, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ.
(Theo website CSIS)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.