Quyền riêng tư của nghệ sĩ nơi công cộng: Riêng tư tới đâu?

07/06/2024 09:27 GMT+7

Nhân vụ một nhà hàng ở TP.HCM bị tố yêu cầu khách xóa hình vì sợ dính người nổi tiếng, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về vấn đề 'quyền riêng tư' của người nổi tiếng ở nơi công cộng.

Quyền riêng tư của nghệ sĩ nơi công cộng: Riêng tư tới đâu?- Ảnh 1.

Vụ nhà hàng ở TP.HCM vướng ồn ào bị khách tố bắt xóa hình vì sợ dính người nổi tiếng nhận được sự quan tâm trên mạng xã hội

Chụp màn hình

Dân mạng bức xúc khi người nổi tiếng đòi 'riêng tư' 

Gần đây, mạng xã hội xôn xao với bài đăng của một tài khoản tố nhân viên một nhà hàng ở TP.HCM yêu cầu kiểm tra điện thoại và bắt khách xóa hết hình đã chụp tại đây vì "sợ dính trúng người nổi tiếng". Người này cho biết thêm chuyện vô tình giơ điện thoại lên chụp dính người khác là điều không ai muốn. Người này cũng cho rằng vấn đề riêng tư của mỗi người cần được tôn trọng nhưng thái độ nhà hàng xử lý kém. Vụ việc thu hút sự quan tâm của cư dân mạng với nhiều ý kiến tranh cãi, bình luận trái chiều.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người lên tiếng chỉ trích, cho rằng nhân vật nổi tiếng kia mắc bệnh ngôi sao, làm quá mọi chuyện khi đòi hỏi sự riêng tư ở nơi công cộng. Một tài khoản bức xúc: "Bị ngáo quyền lực đến thế à? Chỉ thấy đây là hành vi lố bịch, thiếu tôn trọng người khác". Người xem khác mỉa mai: "Về nhà mà tìm sự riêng tư, chứ ở nơi công cộng mà đòi riêng tư. Muốn riêng tư thì có thể bao nguyên nhà hàng, đặt phòng riêng, thuê luôn đầu bếp nhà hàng về nhà nấu. Ra chỗ công cộng mà đòi riêng tư tuyệt đối. Bản thân muốn riêng tư mà không tôn trọng riêng tư người khác. Lúc nào cũng cho rằng bản thân xứng đáng hưởng quyền lợi trên người khác". "Quá trịch thượng, muốn riêng tư thì mua đem về hoặc bao cả nhà hàng đi. Chứ muốn riêng tư quá mà đi xâm phạm quyền riêng tư của người khác là sao", một dân mạng bức xúc.

Quyền riêng tư của nghệ sĩ nơi công cộng: Riêng tư tới đâu?- Ảnh 2.

Nội dung bài đăng tố nhân viên nhà hàng yêu cầu khách xóa hình vì sợ dính đến người nổi tiếng

Chụp màn hình

Tuy nhiên, số khác lại lên tiếng bênh vực cho nhân vật nổi tiếng được nhắc đến. Bởi theo họ, bất kỳ ai cũng có quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân ở nơi công cộng. Có ý kiến cho rằng có thể vì nhân viên nhà hàng không khéo léo trong việc xử lý tình huống, thiếu tinh tế khiến khách hàng có những trải nghiệm không mong muốn. Số khác cũng khuyên dân mạng nên hiểu đúng bản chất sự việc và lắng nghe câu chuyện từ nhiều phía.

"Không cần phải là người nổi tiếng, ai cũng có quyền riêng tư, quyền bảo vệ hình ảnh bản thân. Văn minh lên, chuyện gì cũng cần đứng ở vị trí của người khác để nhìn nhận nữa", "Bây giờ TikTok cứ hay đăng tin bậy bạ nên họ sợ, không muốn bị quay dính hình ảnh cũng phải mà", "Nói thật khi tôi vào quán ăn, thấy ai đó cầm điện thoại quay quay cũng thấy bực rồi. Chưa kể họ quay rồi còn đăng lên TikTok, bao người vào bình luận, phán xét. Người ta là người nổi tiếng, họ không muốn bị chụp, bị quay để giữ hình ảnh cũng đúng mà", "Bây giờ tôi chẳng nổi tiếng gì mà ra đường thấy có người cầm điện thoại chụp dính người tôi, tôi cũng không đồng ý ấy chứ. Nhiều người vô duyên lắm, quay phim, chụp ảnh trúng người khác không che rồi đăng lên mạng, lỡ ảnh hưởng đến họ thì sao...", là một số ý kiến của dân mạng.

Từ ồn ào này, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về "quyền riêng tư" ở nơi công cộng được quy định như thế nào và người nổi tiếng đúng hay sai khi yêu cầu riêng tư?

Quyền riêng tư của nghệ sĩ nơi công cộng: Riêng tư tới đâu?- Ảnh 3.

Fan chụp ảnh hai ca sĩ Kpop là Jennie và Irene đang dùng bữa tại một nhà hàng đông đúc ở Los Angeles, Mỹ và chia sẻ trên mạng

Chụp màn hình Reddit

Luật sư nói gì về 'quyền riêng tư'?

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng theo quy định pháp luật thì người nổi tiếng hay bất kỳ công dân nào đều có quyền riêng tư, quyền yêu cầu người khác không được chụp ảnh của mình tại nhà hàng hay bất cứ nơi nào.

Theo luật sư Hà Hải, liên quan đến vấn đề "quyền riêng tư" thì Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".

Luật sư Hà Hải cho biết theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mỗi cá nhân đều có quyền với hình ảnh của mình. Nghị định 13/2023/ND-CP về Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân cũng đã có quy định chi tiết về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các nghĩa vụ liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân, bao gồm cả hình ảnh.

"Khi người khác muốn quay chụp, sử dụng hình ảnh của cá nhân nào thì phải được người đó đồng ý, ngoại trừ một số trường hợp như sử dụng hình ảnh vì lợi ích công cộng, quốc gia, sử dụng hình ảnh cho các hoạt động thiện nguyện không gây ra tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh hoặc một số trường hợp khác như sử dụng hình ảnh của người đó vào mục đích thương mại có sự đồng ý của người đó, đã trả tiền cho người có hình ảnh. Những trường hợp khác thì sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không có sự đồng ý có thể xem là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư chia sẻ.

Liên quan đến ồn ào của người nổi tiếng mới đây, luật sư Hải Hà cho rằng bất cứ ai khi bị người khác chụp lén đều có quyền yêu cầu người đó phải xóa hình ảnh, chấm dứt hành vi này. Luật sư phân tích: "Một công dân đang có những hoạt động bình thường, đúng quy định pháp luật mà bị chụp lén thì có quyền yêu cầu xóa hình ảnh đó. Luật pháp bảo hộ quyền về nhân thân, trong đó có quyền về hình ảnh của mình. Người của công chúng thì hình ảnh của họ rất quan trọng, nó là một loại "tài sản". Một số người nổi tiếng có ám ảnh về hình ảnh nghĩ mình chưa đẹp trước công chúng, nếu bị chụp lén, ảnh hưởng đến lượng "view". Đây cũng có thể là lý do khiến người nổi tiếng quyết liệt yêu cầu xóa hình, không chụp nếu họ chưa đồng ý. Vấn đề dư luận quan tâm là người công chúng thì ứng xử sao cho phù hợp với thân phận của mình. Nếu thái độ ứng xử không khéo léo trong việc buộc người khác xóa hình ảnh thì sẽ gây ra sự phản cảm, không xứng với vị trí của mình trong lòng công chúng".

Luật sư Hà Hải cũng phân tích thêm về khía cạnh khác trong vụ việc một nhà hàng ở TP.HCM bị tố yêu cầu khách xóa hình vì sợ dính người nổi tiếng. Theo luật sư, khi người nổi tiếng nghi ngờ bị dính hình do ai đó quay điện thoại về phía mình có quyền yêu cầu nhân viên hoặc chủ nhà hàng kiểm tra và xóa hình ảnh. Tuy nhiên, người được yêu cầu là nhân viên cũng có quyền từ chối yêu cầu của người nổi tiếng nếu thấy không có cơ sở hay chứng cứ rõ ràng. Người khách cũng có quyền từ chối yêu cầu kiểm tra điện thoại nếu thấy mình không vi phạm.

Luật sư Hà Hải cho rằng hiện nay tình trạng người dân, đặc biệt là người nổi tiếng bị chụp lén cắt ghép rồi đăng tải trên các trang mạng xã hội rất nhiều. Nguyên nhân một phần cũng do ý thức pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, chưa chủ động trong việc ngăn chặn. Theo luật sư, bất cứ ai khi bị quay chụp lén hoặc thấy hình ảnh của mình bị đăng tải, sử dụng bất hợp pháp trên không gian mạng ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm nên làm đơn gửi cấp thẩm quyền, tòa án yêu cầu xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.