Việc điều chuyển Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông về Viettel, theo các chuyên gia, dù chỉ mới ở bước đề xuất, nhưng cách thức mà các cơ quan có thẩm quyền đang thể hiện đe dọa nghiêm trọng quyền tự chủ đại học.
Đề xuất chuyển Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đang phát triển bình thường về Viettel với cách thức như đang diễn ra, theo các chuyên gia là bất thường - Ảnh: Ngọc Thắng
|
“Tưởng chỉ là tin đồn vì phi lý quá!”
Là một đơn vị đào tạo ĐH và sau ĐH khá mạnh về lĩnh vực bưu chính - viễn thông, hơn 60 năm hình thành nhưng mãi gần đây Học viện (HV) Công nghệ bưu chính viễn thông mới được ổn định cơ quan chủ quản. Đang là một đơn vị đào tạo thuộc sở hữu của một doanh nghiệp nhà nước - Tập đoàn bưu chính viễn thông, ngày 1.7.2014, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) có quyết định điều chuyển HV này về Bộ, trở thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ với vị thế là trường ĐH, trung tâm nghiên cứu trọng điểm của ngành thông tin và truyền thông VN. “Thậm chí mãi tới tháng 12.2014 việc bàn giao đơn vị chủ quản của HV mới hoàn tất. Vì thế thông tin HV có nguy cơ bị điều chuyển đơn vị chủ quản, và đó lại là một doanh nghiệp, khiến toàn thể cán bộ - giảng viên của HV rất sốc”, tiến sĩ Vũ Văn San, Phó giám đốc phụ trách HV, chia sẻ.
|
Thông tin Bộ Quốc phòng đề xuất điều chuyển HV Công nghệ bưu chính viễn thông sang Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đến với lãnh đạo HV khá đột ngột. Đầu tháng 4, thông tin này xuất hiện ở hành lang một cuộc họp giao ban của Bộ TT-TT. “Chúng tôi nghe xong rồi cười cho qua, vì cái tin đồn đó buồn cười, phi lý quá”, ông San nói. Đùng một cái, ngày 4.5 Bộ TT-TT nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ. Ngay hôm sau, Bộ gửi công văn xuống HV. Trong hội nghị cán bộ chủ chốt của HV diễn ra sau đó, tất cả đại biểu tham dự đều bỏ phiếu chống.
Theo ông San, không ai lý giải được tại sao lại có cái đề xuất lạ lùng này. “Từ nhiều năm nay, HV không phải nhận một đồng ngân sách nào từ nhà nước để chi tiêu. Từ lương của cán bộ, giảng viên, nhân viên cho đến các hoạt động đầu tư cho đào tạo - nghiên cứu, HV tự lo hết. Do đó không thể có chuyện do ngân sách nhà nước không “ôm” nổi nên phải “nhờ” doanh nghiệp lo hộ. Từ phía Viettel, chúng tôi cũng chưa bao giờ nhận được lời ngỏ ý giúp đỡ, hỗ trợ, hợp tác. Phía chúng tôi cũng chưa bao giờ đề xuất”, ông San bức xúc.
Ông San cho biết, bằng việc tự lo hoàn toàn kinh phí hoạt động, HV đã từng bước khẳng định được năng lực tự chủ. Vì thế, đưa HV về Viettel là một đề xuất phi lý. “Nếu để cho doanh nghiệp quản trị ĐH thì chắc chắn ĐH sẽ bị tác động bởi quan điểm, hiệu quả sản xuất, mục đích cũng như ảnh hưởng từ những thay đổi về chính sách trong điều hành doanh nghiệp. Và đây là nguy cơ khiến cho ĐH xa rời tôn chỉ mục đích. Doanh nghiệp có thể tham gia hỗ trợ nâng cao chất lượng ĐH thông qua việc đầu tư các dự án, các phòng thí nghiệm. Chứ còn doanh nghiệp quản trị ĐH là điều không nên. Với trường hợp chúng tôi, tôi e rằng điều này sẽ kéo lùi vị thế, đẳng cấp mà HV đã dày công tạo dựng”, ông San nói.
“Nếu không cẩn thận là bán trường”
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, khẳng định: “Nếu đây chỉ là một gợi ý của Bộ chủ quản để trường xem xét và tự quyết định thì không vấn đề gì, nhưng nếu Bộ cứ tự ý quyết định thì rõ ràng là xâm phạm tới quyền tự chủ của các trường”. GS Thuyết bình luận: “Với một người trưởng thành, không ai có thể buộc người ta phải nhận ai đó làm bố mẹ mình. Một ĐH cũng thế, đặc biệt là với đơn vị có quá trình phát triển lâu năm và đã tạo được vị thế xã hội như HV Công nghệ bưu chính viễn thông. Tốt nhất là để ĐH được đứng độc lập, bởi về lâu về dài, muốn ĐH phát triển thì phải để trường ĐH được độc lập, tự chủ”.
Cũng theo GS Thuyết, nếu chỉ nhìn từ một góc độ hạn hẹp nào đó, chẳng hạn như về lợi thế đầu tư, thì nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển ĐH. Vấn đề là phải có cách thức phù hợp nhằm ngăn chặn sự “lũng đoạn” của doanh nghiệp lên sự phát triển của ĐH. “Không cẩn thận thì sẽ có những trường hợp dở khóc dở cười, bởi chẳng những không được đầu tư thêm mà nhà trường phải tự lo kinh phí, tự kinh doanh, rồi còn nộp lợi nhuận về công ty. Những việc này sẽ làm thay đổi hết tất cả tính chất của một trường ĐH”, GS Thuyết nói.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng nên cảnh giác với xu hướng để doanh nghiệp đầu tư, quản lý ĐH, đặc biệt với các trường công lập. “Theo điều 48 luật Giáo dục thì nếu chủ sở hữu ĐH là doanh nghiệp thì mô hình trường đó là ĐH tư. HV Công nghệ bưu chính viễn thông đang là trường công, do nhà nước làm chủ sở hữu. Giờ chuyển đơn vị này sang chủ sở hữu là doanh nghiệp, cho dù là doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là chuyển nó từ công sang tư. Nếu không cẩn thận, thay vì tìm hướng đầu tư phát triển cho ĐH, chúng ta lại “bán” trường”, ông Khuyến khuyến cáo.
Về quyền tự chủ ĐH bị đe dọa, ông Khuyến phân tích: “Tự chủ cao nhất là tự chủ của người lao động. Họ phải được quyền quyết định số phận và con đường phát triển của mình. Nhưng theo dõi qua báo chí thì tôi thấy quyền tự chủ đó không hề được tôn trọng. Giờ nếu giở lý lẽ trường công thì Chính phủ có quyền quyết định nhưng cũng cần phải tuân thủ luật Giáo dục: Một trường công dẫu cho có điều chuyển chủ sở hữu thì cũng chỉ từ bộ nọ sang bộ kia chứ không thể từ Bộ về doanh nghiệp. Còn thật sự nhà nước thấy không “ôm” được, phải đưa về cho doanh nghiệp, trước hết thì chủ sở hữu hợp lý trong trường hợp cụ thể này là Tập đoàn bưu chính viễn thông VN - chủ sở hữu cũ của HV - chứ không phải Viettel”, ông Khuyến khẳng định.
GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng câu chuyện HV Công nghệ bưu chính viễn thông đang gặp phải là một hệ quả tất yếu của việc chậm đổi mới giáo dục ĐH: “Nghị quyết 14 ban hành từ 2005 đã yêu cầu phải xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản với giáo dục ĐH. Nhưng 10 năm rồi, việc này vẫn không được thực hiện. Một khi các trường ĐH vẫn có bộ chủ quản thì quyền tự chủ ĐH vẫn còn bị xâm phạm và việc đó không thể tránh khỏi, đằng này trong câu chuyện đề xuất đưa HV Công nghệ bưu chính viễn thông, ngay cả Bộ chủ quản cũng không được tự chủ”.
Ý kiến Sao quay trở lại mô hình vừa thay đổi chưa tới 1 năm? Tháng 7.2014, HV Công nghệ bưu chính viễn thông chuyển cơ quan chủ quản từ VNPT qua trực thuộc Bộ TT-TT. Nay nếu chuyển HV về với Viettel thì tiếp tục quay trở lại mô hình cũ vừa được thay đổi chưa tới 1 năm. Với số lượng sinh viên trên 20.000, việc chuyển HV về Viettel cần phải xem xét đảm bảo nguyện vọng của người học. Tiến sĩ Tân Hạnh Sai nguyên tắc! Đây là câu chuyện không đúng luật gì hết và sai nguyên tắc. Đứng về mặt ý nghĩa giáo dục, một ngôi trường lớn hơn cả công ty. Trong hệ thống giáo dục hiện nay phân biệt một bên chủ sở hữu, một bên là quản lý nhà nước. Trường ĐH tư thì tập đoàn, công ty, cá nhân... là chủ sở hữu mang tính chất khác. Đằng này đây là một trường công lập sao lại trực thuộc về một công ty? PGS-TS Nguyễn Thiện Tống Nhà nước muốn tư thục hóa Thật ra các nước Đông Nam Á vẫn có trường ĐH trong doanh nghiệp. Ở Singapore cũng có một trường ĐH thuộc tập đoàn viễn thông. Tuy nhiên, nhiều trường trong số này hoạt động với tinh thần không vì lợi nhuận. Tôi nghĩ việc quyết định chuyển HV Công nghệ bưu chính viễn thông về Viettel là nhà nước muốn tư thục hóa trường này. Bởi vì đưa trường công lập về doanh nghiệp thì trường này sẽ thành tư thục thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm là nhà nước vẫn phải duy trì một số trường ĐH công lập đặc thù. Giáo sư Phạm Phụ Hà Ánh - Đăng Nguyên (ghi) |
Bình luận (0)