Sau 40 năm, Ấn Độ mới lại là nơi diễn ra sự kiện trọng đại này của IOC. Qua đó, IOC xác lập vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ trong phong trào Olympic trên thế giới. Đấy cũng là một tín hiệu về triển vọng gần trong tương lai Ấn Độ được trao quyền tổ chức Thế vận hội.
Đối với IOC, kỳ họp toàn thể này có tầm quan trọng rất quyết định tới tương lai của chính IOC và của phong trào Olympic quốc tế. Trước tiên là chuyện nhân sự, cụ thể ở đây là bầu thêm 8 thành viên mới cho ban lãnh đạo IOC. Nhân sự và cơ cấu nhân sự thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thường xuyên của IOC và định hướng hoạt động của IOC trong tương lai.
Tiếp đến là việc xác định ra những tiêu chí cần thiết cho hoạt động của IOC và các thành viên để thích ứng với những yêu cầu, đòi hỏi mới của thế giới đã thay đổi. Chẳng hạn như việc tổ chức các mùa thế vận hội phải phục vụ cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất như thế nào hoặc các bên ứng cử đăng cai tổ chức các sự kiện lớn của IOC phải đáp ứng thêm những điều kiện và tiêu chí gì để được IOC trao quyền đăng cai tổ chức.
Tại phiên họp toàn thể này, IOC phải đưa ra quyết định cuối cùng - vì lưỡng lự, chần chừ đã nhiều năm rồi - về bổ sung những môn thể thao nào cho các cuộc thi đấu ở những mùa thế vận hội mùa đông và mùa hè. Thế vận hội mang tính truyền thống, nhưng thế vận hội cũng phải thích ứng với thế giới hiện đại và với sự phát triển của nhân loại theo thời gian.
Và cuối cùng, IOC phải quyết định việc để cho hay không để cho thi đấu thể thao quốc tế bị chính trị hóa bởi thời cuộc hay bởi diễn biến quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới.
Câu trả lời những câu hỏi trên sẽ cho biết rồi đây IOC sẽ đi về đâu.
Bình luận (0)