Chuyến thăm của Tổng thống Obama sang VN lần này mang ý nghĩa chính trị và kinh tế quan trọng vượt trên ý nghĩa ngoại giao thuần túy. Chuyến thăm VN của Tổng thống Obama không phải để “trả lễ” cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, mà là sự cụ thể hóa cho quan điểm Đối tác toàn diện mà lãnh đạo hai nước đã xác lập 3 năm trước.
Rõ ràng, 20 năm không phải là khoảng thời gian đủ dài để hai bên có thể giải quyết được hết các bất đồng, thu hẹp được hết các khác biệt. Nhưng 20 năm cũng đủ để tạo nên sự khác biệt trong quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế. Thành tựu nổi bật nhất có lẽ là việc Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của VN. Tại thời điểm Mỹ bắt đầu bình thường hóa quan hệ thương mại với VN (1995), kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt 0,46 tỉ USD, sau 20 năm, con số này đã hơn 43 tỉ USD, đạt mức tăng tròn trịa 100 lần.
Không những thế, Mỹ còn là thị trường mà VN đạt thặng dư thương mại rất lớn, xấp xỉ 32,5 tỉ USD năm 2015. Tỷ trọng xuất khẩu của VN sang Mỹ so với tổng xuất khẩu của VN với thế giới đã tăng lên đáng kể, từ mức 3,9% năm 1995 lên 20,7% năm 2015. Tỷ trọng nhập khẩu của VN từ Mỹ sau 20 năm cũng tăng từ 3,1% lên 4,7% so với nhập khẩu của VN từ thế giới. Điều này cho thấy rằng với VN, Mỹ đang dần khẳng định là đối tác thương mại chiến lược hàng đầu và rất khó thay thế.
Tuy nhiên, nhìn một cách thẳng thắn thì quan hệ thương mại Việt - Mỹ đối với VN có ý nghĩa quan trọng hơn so với Mỹ. Như số liệu cho thấy, trong khi Mỹ là thị trường chủ lực của VN thì VN chưa phải là thị trường quan trọng của nước này. Năm 2015, xuất khẩu của Mỹ vào VN chỉ chiếm chưa tới 0,47% tổng xuất khẩu của Mỹ ra thế giới. Tương tự, mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, song cũng chỉ chiếm chưa tới 1,72% tổng nhập khẩu của nước này từ thế giới. Con số quá khứ này không phải cung cấp sự bi quan mà chính là biểu hiện cho tiềm năng thương mại to lớn giữa hai nước.
Về đầu tư, sau khi Mỹ bỏ cấm vận (1994), đã có 28 dự án đầu tư của quốc gia này đăng ký đầu tư vào VN với tổng vốn đăng ký lên đến 270 triệu USD. Rất nhiều nhà đầu tư hàng đầu đã đến VN trong thời buổi đầu như PepsiCo, Coca-Cola, P&G, Ford Việt Nam, IBM... Sau 20 năm, Mỹ có 781 dự án đầu tư tương ứng với tổng vốn đạt trên 11,3 tỉ USD, chiếm 2,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài ở VN. Nếu so với số vốn 45 tỉ USD của Hàn Quốc, 39 tỉ USD của Nhật Bản, 35 tỉ USD của Singapore, 31 tỉ USD của Đài Loan… thì con số 11 tỉ USD của các nhà đầu tư từ bên kia đại dương là rất khiêm tốn. Tuy nhiên dù chưa phải là nhà đầu tư số 1 song với vị trí thứ 7, Mỹ vẫn là nhà đầu tư quan trọng nhất ở VN. Hơn nữa, với số vốn mà các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư ra nước ngoài đến nay là trên 5.000 tỉ USD thì tiềm năng Mỹ sẽ là nhà đầu tư số 1 VN không còn xa.
Trở ngại lớn nhất khiến cho VN chưa thể là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Mỹ chính là môi trường đầu tư. Dù đạt được nhiều thành tích tăng trưởng song chính môi trường đầu tư thiếu minh bạch, tình trạng tham nhũng, nguồn nhân lực chất lượng thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, những nút thắt về thể chế… đã khiến VN đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư hàng đầu như Boeing, GE, Abbott, Exxon Mobile, Chevron, Apple, Microsoft… Vì vậy, trong cuộc ganh đua với các nước khác hướng đến thu hút các nhà đầu tư đỉnh cao, VN cần phải cải cách thể chế kinh tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch hơn nữa.
Hiệp định TPP đang mở ra nhiều thời cơ và vận hội lớn cho VN hướng đến mục tiêu tăng trưởng và thịnh vượng. Liệu VN có tận dụng được thời - vận này hay không tùy thuộc vào chính những cải cách hiện nay của chúng ta chứ không phải từ một chuyến thăm viếng thoáng qua của nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới - dù chuyến thăm đó, có ý nghĩa lớn như thế nào đi nữa.
Bình luận (0)