Dù lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên sau 2 năm được đánh giá là phù hợp và là bước đi khôn ngoan trước xu hướng tăng lãi suất của Fed cũng như nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Nhìn lại suốt từ đầu năm đến nay mới thấy, để có được bước đi này là cả một bài toán không hề đơn giản mà Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đối diện giữa một bên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và một bên là hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tính từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có 5 lần tăng lãi suất với quyết tâm chống lạm phát, các ngân hàng T.Ư trên thế giới cũng hành động tương tự. Mỗi lần như thế, câu hỏi tại sao Việt Nam chưa tăng lãi suất lại được đặt ra bởi nguy cơ lạm phát, đặc biệt là nhập khẩu lạm phát do nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam là rất cao. Áp lực với NHNN phải nói thẳng là rất lớn.
Thế nhưng, NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất với 2 lý do cơ bản. Thứ nhất, lạm phát tại Việt Nam không phải do cung tiền mà do chi phí đẩy. Thứ hai, việc giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh. Riêng tỷ giá thì được điều hành chủ động thông qua việc bán ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung cho thị trường, góp phần giảm thiểu tác động của nhập khẩu lạm phát và giảm sức ép mất giá đối với Việt NamD. Nhờ sự thận trọng nhưng linh hoạt này, đến giờ chúng ta mới còn dư địa để có bước đi như nói trên, tăng lãi suất ở mức hợp lý, giảm áp lực cho tỷ giá.
Đặt trường hợp ngược lại, nếu NHNN cũng “hùa theo”, tăng lãi suất liên tục như ngân hàng T.Ư trên thế giới thì chắc chắn chúng ta không thể có được bức tranh kinh tế “sáng” như hiện nay: Tăng trưởng được nhiều tổ chức uy tín dự báo cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm; lạm phát trong tầm kiểm soát, tỷ giá ổn định, cán cân thương mại thặng dư, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mốc kỷ lục...
Không chỉ lãi suất, sự quyết đoán của NHNN còn thể hiện trong điều hành tín dụng. Còn nhớ cuối năm 2021 khi mở cửa hậu Covid-19, chính sách tiền tệ và tài khóa đều hướng tới mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng qua đầu năm 2022, chiến sự Ukraina bất ngờ xảy ra dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá hàng hóa tăng mạnh. Chính sách tiền tệ thay vì “bung ra” đã nhanh chóng chuyển sang thận trọng nhưng không thắt chặt. Minh chứng rõ nhất là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% từ đầu năm vẫn được giữ nguyên chứ không hề siết lại. Hay có nhiều thời điểm, áp lực nới room để phục hồi kinh tế được đẩy lên rất cao, nhưng NHNN vẫn giữ nguyên quan điểm thận trọng và linh hoạt, cùng với việc “nắn” vốn vào những lĩnh vực sản xuất, có tính lan tỏa cao để tăng hiệu quả đồng vốn nhưng tránh gây lạm phát.
Trở lại với lần tăng lãi suất lần này, với mức tăng 1%, mục tiêu lớn nhất của NHNN là ổn định tỷ giá hối đoái, từ đó giữ chân các dòng vốn nước ngoài không dịch chuyển ra khỏi Việt Nam. Thế nhưng, cái giá phải trả là lãi suất đầu ra chắc chắn sẽ tăng lên. Có lẽ đã dự liệu sẵn việc này nên trong buổi họp giao ban sáng qua, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết sẽ vận động các nhà băng giảm chi phí để giữ lãi suất và tiếp tục nghiên cứu giảm lãi vay ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Nói gì thì nói cũng phải thừa nhận, với những diễn biến khó lường của thị trường tài chính quốc tế gần đây, lách qua những khe cửa hẹp để giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện bất ổn như vậy là một thành công của nhà điều hành.
Bình luận (0)