Quyết liệt hành động

29/01/2021 04:40 GMT+7

Cả thập kỷ nay TP.HCM và Hà Nội cứ bàn tới bàn lui chuyện siết xe máy, kiểm tra khí thải, hạn chế xe cá nhân vào nội đô... nhưng rồi để đó không thực hiện.

Đáng nói là trong khi chính quyền còn mải bàn bạc, họp hành, lập đề án khoa học, hội nghị, hội thảo... thì số lượng xe máy ngày càng tăng, lượng phát thải ngày càng lớn, ô nhiễm theo cấp số nhân và ùn tắc ngày càng trầm trọng. Tại sao một vấn đề quan trọng, đã nhìn thấy nguyên nhân, hệ quả, đề ra giải pháp mà lại không thực hiện?
Mấu chốt có lẽ là ngại đụng chạm đến quyền sở hữu tài sản của người dân. Chưa kể xe máy vốn là phương tiện mưu sinh của rất nhiều người, đặc biệt là dân nghèo. Điều này có thể hiểu được. Cấm hay siết xe máy trong khi hệ thống giao thông cộng cộng như xe buýt, metro... chưa xây đựng đồng bộ, đầy đủ để thay thế thì rất khó để "ăn nói". Bài toán con gà, quả trứng; cấm xe máy - xây dựng hệ thống giao thông công cộng cứ loay hoay năm này qua năm khác không giải quyết được, trong khi ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng ở 2 TP lớn nhất cả nước.
Phải thừa nhận thực tế, việc cấm xe máy ở hầu hết các TP lớn ban đầu đều không hề đơn giản. Để làm được, chính quyền phải thực thi rất nhiều biện pháp và phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng. Đây cũng là điều mà mỗi khi nói đến siết hay cấm xe máy tại Việt Nam, lãnh đạo các TP thường đưa ra. Thế nhưng nếu chúng ta thực sự quyết tâm thực hiện thì một thập kỷ qua (tính từ năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Hà Nội và TP.HCM phối hợp các bộ, ngành chức năng thí điểm việc hạn chế, hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp với xe mô tô, xe máy trên một số tuyến phố trong đô thị) là dư địa đầy đủ về thời gian để chúng ta thực hiện các lộ trình từ tuyên truyền, cấm xe hết hạn sử dụng, cấm cục bộ thí điểm, song song với xây dựng hệ thống vận tải công cộng như nhiều nước đã làm. Còn chúng ta lại coi "lộ trình" như một cái cớ, năm nào cũng "cần lộ trình" và thời gian cứ trôi...
Trên thực tế, chi phí bỏ ra để giải quyết hệ quả của việc ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, chi phí y tế, xã hội cả về định tính và định lượng còn lớn hơn rất nhiều so với những giải pháp hỗ trợ người dân bị thu hồi xe máy. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu tiên với người sử dụng xe điện, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phát động những tuần, tháng... nói không với xe máy có thưởng; nhanh chóng đưa xe buýt mini với các hình thức ưu đãi đặc biệt cho người dân sử dụng... Bài học kinh nghiệm ở các nước xung quanh ta về lộ trình hạn chế tiến tới cấm xe máy ở các TP lớn không thiếu.
Thậm chí trong khi chưa thể hạn chế xe máy thì ngay lập tức có thể xử lý quyết liệt với xe hết hạn sử dụng, xe xả khói mù mịt, xe mông má, vá víu... chạy công khai thoải mái ngoài đường mà không có bất cứ chế tài nào trong khi đó là nguồn xả thải, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đó là chưa nói đến nguy cơ về an toàn giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.