Quyết liệt thực hiện mục tiêu kép

05/01/2021 06:20 GMT+7

Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.

Nhiều nội dung quan trọng về chỉ đạo điều hành, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển KT-XH đã được nêu trong Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, cũng như tại buổi họp báo hôm qua 4.1 của Văn phòng Chính phủ để giới thiệu các nghị quyết này.

11 nhóm nhiệm vụ

Theo thông lệ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bước vào năm mới, Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới. Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

ẢNH: HOÀNG TRIỀU - ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN

Thông tin về Nghị quyết 01, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết nghị quyết tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng xác định thông điệp của năm 2021 là: Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020. Để thực hiện được những yêu cầu trên, phương châm hành động của năm 2021 được xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, để tạo nền tảng cho tăng tốc phát triển ngay từ năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới phát triển nhanh và bền vững; trên cơ sở nhận định, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và với quyết tâm cao, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao). Đồng thời, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, đo lường kết quả thực hiện nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương.

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Hai là, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, xác định thể chế là nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước.
Bốn là, xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Năm là, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh... đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Sáu là, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Xác định đây là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Bảy là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tám là, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội.
Chín là, chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về KT-XH và môi trường.
Mười là, tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Mười một là, đẩy mạnh thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

Chưa có chi tiết về gói hỗ trợ khắc phục Covid-19 lần 2

Đối với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, thông điệp của Chính phủ là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.
Trên cơ sở đó, nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 68 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Nghị quyết 02 năm nay đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, gồm:
Đề ra phương hướng, yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị bởi đây vẫn là khâu yếu.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số.
Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn.
Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liệu bao giờ có thêm gói hỗ trợ khắc phục hậu quả Covid-19 lần 2, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết trong báo cáo với Chính phủ, Bộ KH-ĐT nhận định tình hình Covid-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, còn kéo dài. Do đó, các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của năm 2021.
“Chúng tôi sẽ kết hợp với các bộ, ngành trên cơ sở nắm bắt tác động của Covid-19 và các khó khăn của nền kinh tế, có thể báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất với các thông tin có tính khả thi cao. Nhưng lúc này, để trả lời thời điểm nào có gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai này, áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào thì chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết được”, ông Phương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.