"Nếu không minh bạch thì không thể nâng cao hiệu quả và không có gì minh bạch bằng công nghệ thông tin", ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã khẳng định như vậy tại hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử tổ chức hôm qua 22.7 tại TP.HCM do Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cùng Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG VN tổ chức dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM.
Theo thống kê năm 2014, ứng dụng phần mềm tin học trong bệnh viện (BV) tuyến T.Ư là 100%, tuyến tỉnh là 68% và tuyến huyện là 61%. Hiện nay, Bộ Y tế đang thí điểm dự án bệnh án điện tử và quản lý hệ thống BV tại 6 BV và đang triển khai kế hoạch phát hành thẻ bảo hiểm y tế điện tử vào năm 2018 với mục đích giảm thiểu thủ tục rườm rà cũng như tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả cho việc khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng y tế điện tử của các BV ở VN hiện nay mới dừng lại ở việc khai thác công việc văn phòng, thống kê, báo cáo với từng phần riêng lẻ...
Với giao thông, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại Hà Nội và TP.HCM, thời gian trung bình xảy ra ùn tắc giao thông là 45 phút/ngày, xấp xỉ 15 giờ/tháng và 180 giờ/năm, dẫn đến thiệt hại trung bình 30.000 tỉ đồng/năm. Do vậy, việc ứng dụng giao thông thông minh là rất quan trọng để kiểm soát, giảm ùn tắc giao thông.
Theo ông Lê Mạnh Hà, một ứng dụng nữa mà Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế. Tại hội thảo có mặt lãnh đạo của nhiều tỉnh thành, ông Hà mong các địa phương chú trọng triển khai ứng dụng y tế điện tử trong năm nay và những năm kế tiếp.
Bình luận (0)