Quyết liệt và không chủ quan

05/02/2020 04:59 GMT+7

Cơn lốc lây nhiễm vi rút nCoV trên thế giới chưa hề có dấu hiệu chững lại, nên nhiều quốc gia đã đẩy hành động ngăn chặn dịch bệnh lên mức quyết liệt. Nhưng vẫn phải lường cho bằng hết những tình huống “lắt léo” có thể dẫn đến mất hiệu lực kiểm soát.

Chẳng hạn khả năng người Trung Quốc, trong đó có người từ tâm dịch Vũ Hán tìm cách nhập cảnh Việt Nam thông qua quốc gia thứ ba là có thật. Chính quyền Đà Nẵng đã phát hiện những trường hợp như vậy đi từ Campuchia đến Đà Nẵng. May mắn là phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Thực tế “lắt léo” này chắc chắn đặt các cơ quan kiểm soát cửa khẩu vào yêu cầu hành động quyết liệt. Là phải đảm bảo đúng vai trò của “người gác cổng” đất nước. Mệnh lệnh từ Chính phủ “chống dịch như chống giặc” phải được cơ quan kiểm soát cửa khẩu tuân thủ nghiêm ngặt, không được phép chủ quan hay vận dụng tùy tiện. Sai sót hay thiếu quyết liệt trong trường hợp này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, tốn hao công sức của biết bao người trong nội địa.
Và một thực tế khó lường khác: Việt Nam vẫn phải tiếp nhận hàng nghìn chuyên gia và công nhân Trung Quốc trở lại làm việc ngay trong thời điểm mà yêu cầu kiểm soát nguồn lây lan từ Trung Quốc được nhiều quốc gia đẩy lên mức quyết liệt. Điều này đặt ra một thách thức vô cùng khó lường đối với nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn lây lan dịch bệnh do vi rút nCoV gây ra.
Chúng ta đành phải trông cậy vào giải pháp “cách ly tại nhà” đối với lực lượng chuyên gia và công nhân người Trung Quốc ở thời điểm cần kiểm soát dịch bệnh này. Nhưng đã thế thì phải thực hiện cách ly quyết liệt, quyết liệt và quyết liệt. Chứ không thể đơn giản là yêu cầu họ tự giác cách ly họ ở nhà trọ, khách sạn và không được đến công ty.
Quyết liệt, là phải thiết lập chế độ giám sát của chính quyền ngay tại các công ty liên quan để đảm bảo những người này không đến công ty làm việc khi chưa thực hiện đúng quy định cách ly 14 ngày. Có làm được không?
Quyết liệt, là phải lập danh sách cụ thể và yêu cầu khai báo rõ ràng địa điểm lưu trú, thiết lập ngay tại địa điểm lưu trú của họ quy tắc kiểm soát và tuân thủ quy định cách ly. Chứ chẳng thể nào để họ “tự xử” theo ý thức tự giác của cá nhân.
Mà quyết liệt nhất, phải là hạn chế tối đa việc lưu trú phân tán của những trường hợp này trong cộng đồng. Một số khu vực lưu trú cần được chỉ định là dành riêng để lưu trú cách ly 14 ngày, nếu không thì “lá bùa” cách ly sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Nên nhớ, các quốc gia không ngại cách ly du thuyền ngoài khơi, cách ly người về từ vùng dịch riêng ngoài đảo.
Không thực hiện giải pháp cách ly cho thật quyết liệt thì không chừng đến lúc chính người Việt sẽ rơi vào tình cảnh bị cách ly.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.