Quyết sách cho thuốc lá mới: Cân nhắc nhu cầu thực tiễn và quyền lợi hợp pháp

19/08/2024 10:00 GMT+7

Nhu cầu và nguyện vọng của người dùng là một trong những khía cạnh cần được cân nhắc trong quyết sách với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) - gồm thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT)...

Trong khi thuốc lá là một loại hàng hóa hợp pháp, nhu cầu sử dụng sản phẩm TLTHM cùng chủng loại nếu không được đáp ứng sẽ gây bất cập và tình trạng tiêu thụ tự phát như hiện nay vẫn tiếp diễn.

Đây là vấn đề được các đại biểu quan tâm trong tọa đàm "Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá" ngày 1.8 tại Hà Nội vừa qua.

Sử dụng thuốc lá thế hệ mới là "nhu cầu của xã hội"

Tại tọa đàm nêu trên, các đại biểu đều đánh giá hành vi sử dụng TLNN và các sản phẩm TLTHM là một "nhu cầu của xã hội" và là "vấn đề không mới".

Cụ thể, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Liên phát biểu: "Trong những tiến trình của đất nước, đến thời điểm hiện nay, TLNN, TLTHM không phải là vấn đề mới, không phải là mặt hàng mới xuất hiện ở Việt Nam nữa. Nó đã có một quá trình gần như cả xã hội đã làm quen loại mặt hàng này".

Dù không còn xa lạ với người dùng tại Việt Nam, các sản phẩm này vẫn còn nằm ngoài hành lang pháp lý. Vì vậy, cần ưu tiên ban hành chính sách quản lý mặt hàng này nhằm ngăn chặn việc tiếp cận sai mục đích, sai đối tượng, nhất là thanh thiếu niên, theo ý kiến của ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

Bên cạnh giới trẻ, một nhóm đối tượng quan trọng khác cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu là nhóm người trưởng thành hút thuốc lâu năm và khó cai thuốc.

Theo đó, ông Tạ Văn Hạ đặt vấn đề về căn cứ của đề xuất cấm TLNN và các sản phẩm TLTHM khác: "Cấm cũng phải có căn cứ, như về pháp lý, cơ sở khoa học, thực tiễn... Tất cả những cơ sở này đều phải có đủ các luận chứng, luận điểm. Thậm chí về mặt pháp lý còn liên quan đến quyền con người, trong đó có cả đối tượng đã đang sử dụng thuốc lá".

Do đó, dưới góc độ phản biện từ nhân dân và bảo vệ quyền lợi của người dùng, bà Liên đề nghị cần nhìn nhận vấn đề theo hướng tiếp cận khác, đó là lấy người tiêu dùng làm trung tâm, nên cung cấp hợp pháp cho họ các sản phẩm chất lượng, uy tín để bảo vệ sức khỏe.

Quyết sách cho thuốc lá mới: Cân nhắc nhu cầu thực tiễn và quyền lợi hợp pháp - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên đánh giá cao nguyên tắc lấy người dân, người dùng làm trung tâm

Ảnh: PLVN

Không được cung cấp hợp pháp, người dùng sẽ tìm đến chợ đen

Bàn thêm về hướng ứng xử phù hợp với TLTHM, bà Liên nhận định: "Nếu như đặt vấn đề ở dưới góc độ hoàn toàn về y tế, rằng 'vì nó độc hại cho nên chúng ta cấm hoàn toàn', thì cũng chưa bảo đảm là phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Cũng không thể nói, cấm hoàn toàn thì sẽ không có người sử dụng hay cũng không có những sản phẩm này trôi nổi trên thị trường".

Ông Hạ cũng nhấn mạnh: "Chúng ta cần tính đến quyền lợi của hơn chục triệu người đang nghiện thuốc lá, để họ có quyền tiếp cận đến những sản phẩm giảm tác hại hơn".

Theo ông Hạ, căn cứ khoa học cho hướng quản lý cần được tham khảo từ các quốc gia tiên tiến như Nhật, khi nước này đã và đang có nhiều nghiên cứu độc lập về những phương án quản lý phù hợp, được công bố trên toàn cầu và tham chiếu bởi nhiều nước. "Việc quản lý TLNN, TLTHM là hết sức cần thiết, nhưng phải trên cơ sở kinh nghiệm của quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như cơ sở phân tích tác động đến người tiêu dùng, bên cạnh doanh nghiệp và Nhà nước", ông Hạ nêu ý kiến.

Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết, việc quản lý TLNN, TLTHM là hết sức cần thiết, phải dựa trên cơ sở kinh nghiệm của quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và năng lực quản lý của các cơ quan Nhà nước về vấn đề này.

Quyết sách cho thuốc lá mới: Cân nhắc nhu cầu thực tiễn và quyền lợi hợp pháp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội

Như vậy, đề xuất cấm TLTHM chưa phải là phương án hoàn toàn khả thi về mặt hiệu quả trước nhu cầu hiện hữu của người dùng. Vì vậy, các đại biểu đã nêu cao tầm quan trọng của việc xác định hướng quản lý TLTHM hiệu quả nhằm bảo vệ và phát huy thành tựu phòng, chống tác hại của thuốc lá quốc gia, đặc biệt là việc ngăn ngừa sự tiếp cận của thanh thiếu niên. "Nếu xác định đây là sản phẩm thuốc lá thì cần phải quản lý ngay. Hay thận trọng hơn thì có thể sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP để xem đây là một sản phẩm mới và tiến hành quản lý thử nghiệm, đánh giá thêm", bà Liên kiến nghị.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc cũng đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công thương cần thực thi nhiệm vụ kép là nghiên cứu khoa học song song với xây dựng chính sách. Bởi theo ông, theo tình hình hiện tại, không thể đợi đến khi có được kết quả nghiên cứu khoa học trong nước rồi mới xây dựng chính sách quản lý.

Bên cạnh đó, bà Liên cho rằng Việt Nam có thể ngăn ngừa việc TLTHM tiếp cận giới trẻ và bảo đảm sức khỏe toàn dân hiệu quả bằng cách quản lý những mặt hàng chính ngạch, đã qua kiểm nghiệm khoa học, song song với tham khảo, nghiên cứu, chọn lọc và cấm triệt để những sản phẩm kém chất lượng trên thị trường.

Trở lại vấn đề quyết sách đối với TLNN, TLTHM, ông Hạ nhấn mạnh: "Vấn đề bức bách bây giờ là nếu không cấm được thì phải quản lý ngay". Theo đó, bà Liên đề nghị Bộ Tư pháp cùng với các bộ ngành xác định đây là một vấn đề pháp lý, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo vệ sức khỏe của người sử dụng và bảo vệ sức khỏe chung của cả xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.