Quyết tâm 'giữ chân' bệnh nhân

13/03/2023 06:11 GMT+7

Theo khảo sát của Thanh Niên, ở nhiều tỉnh miền Trung, tình trạng thiếu bác sĩ (BS), thuốc, trang thiết bị y tế vẫn đáng lo.

Đến cuối năm 2022, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Định có 988 BS, chỉ số BS/vạn dân của tỉnh Bình Định là 7,4 (chỉ số của cả nước là 10,4). Những năm qua, ngành y tế tỉnh Bình Định đã thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường nhân lực công tác tại các cơ sở y tế công lập nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu BS. Cụ thể, từ 2016 đến nay, Sở Y tế tỉnh Bình Định tuyển dụng được 396 BS (gấp 6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015) nhưng hiện vẫn thiếu khoảng 245 BS (tuyến tỉnh thiếu 120 BS, tuyến huyện thiếu 100 BS và tuyến xã thiếu 25 BS). Bên cạnh đó, số lượng BS về hưu, số lượng BS nghỉ việc, bỏ việc đã tăng lên trong thời gian gần đây, theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định.

Ngành y tế Gia Lai hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất, thuốc và vật tư y tế. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu và chất lượng khám chữa bệnh (KCB) của người dân. Theo số liệu của ngành y tế Gia Lai, số lượng biên chế chưa tuyển đủ so với biên chế được giao là 425 người. Năm 2022 nhu cầu của các đơn vị cần tuyển 235 BS nhưng Gia Lai chỉ tuyển được 18 người.

Nói về nguồn nhân lực cho ngành y tế Quảng Ngãi, BS Huỳnh Thị Thuận, Phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tại BV này có rất nhiều BS được thu hút về theo diện ưu đãi của UBND tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2013, nhưng khi hết thời hạn ràng buộc, các BS này lại bỏ việc ra BV tư nhân để làm. Nguyên nhân chính là do kinh tế không đảm bảo nên không giữ chân được nhân lực. Theo BS Thuận, BS mới ra trường lương chưa tới 4 triệu đồng/tháng, còn như BS Thuận đã 20 năm công tác, thu nhập cũng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng.

Phú Yên hiện cũng đang thiếu BS. Ông Phạm Minh Hữu, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, cho biết toàn tỉnh đang thiếu khoảng 250 BS đa khoa để làm việc tại các đơn vị y tế so với chỉ tiêu biên chế đã được giao. "Sở đã tổ chức tuyển dụng viên chức ngành y tế, nhưng số lượng BS đa khoa đăng ký và được tuyển dụng đều thấp hơn chỉ tiêu, nguyên nhân chính là không có nguồn tuyển", ông Hữu nói. Theo ông, việc thiếu BS đa khoa ảnh hưởng đến chất lượng công tác KCB và là một trong những nguyên nhân của tình trạng người dân đi vào TP.HCM và đến một số BV ở các TP lớn để KCB.

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh: Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên… cho hay sẽ tiếp tục có chính sách thu hút, đào tạo và đãi ngộ nhân viên y tế nói chung và BS nói riêng tốt hơn nhằm nâng cao nhân lực về mọi mặt cho ngành y tế địa phương; đồng thời tăng cường công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu KCB cho người dân ở tỉnh. Đơn cử như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý chi ngân sách 350 tỉ đồng từ nay đến năm 2025 để đầu tư trang thiết bị y tế, phục vụ KCB, giữ chân bệnh nhân tỉnh nhà, theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.