Tình huống dẫn đến vụ án mạng là do nhóm Trần Văn Thắng (32 tuổi, quê Quảng Bình) ăn nhậu, hát karaoke bằng loa kẹo kéo trước dãy trọ đường Phạm Như Xương (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). Lê Công Bình (31 tuổi, quê Quảng Nam) khuyên Thắng nghỉ vì nhóm Thắng đã hát liên tục mấy đêm trước, ảnh hưởng mọi người trong dãy trọ và Bình làm bốc vác nặng nhọc, cần ngủ. Bình nhắc nhở nhiều lần không thành, liền xô xát và rút dao tấn công khiến Thắng chết tại chỗ…
Vụ giết người mới nhất liên quan loa kẹo kéo vừa nêu cho thấy karaoke di động trở thành vấn nạn khắp nơi, "góp phần" vào các nguyên nhân mâu thuẫn, xô xát, thậm chí án mạng.
Tại TP.Đà Nẵng, P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà) là địa phương tiên phong có cách trị karaoke di động hiệu quả. Từ năm 2022, UBND P.Nại Hiên Đông chủ động nghiên cứu, hợp đồng Trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN TP.Đà Nẵng), là đơn vị đủ thẩm quyền đo tiếng ồn để đảm bảo pháp lý.
Có cùng đi với Tổ phản ứng nhanh xử lý vi phạm tiếng ồn P.Nại Hiên Đông mới thấy quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị là cần thiết và hiệu quả như thế nào. Nếu ai hát karaoke ồn ào, Tổ trưởng dân phố, Ban công tác mặt trận khu dân cư nhắc nhở không được thì báo Tổ phản ứng nhanh.
Lúc này, chủ tịch (hoặc phó chủ tịch UBND phường) chỉ đạo trực tiếp, đại diện đoàn thể vận động; nếu không chấp hành thì lực lượng quy tắc đô thị lập biên bản, công an, quân sự trấn áp nếu chống đối.
Căn cứ kết quả đo tiếng ồn của Trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ, Tổ phản ứng nhanh tạm giữ tang vật loa kẹo kéo để chấm dứt gây ồn. Sau đó, mời đương sự lên phường làm việc, xử phạt hoặc chuyển cấp trên xử phạt theo thẩm quyền. Đây là mô hình đang được nhân rộng tại TP.Đà Nẵng.
Giải pháp và quy trình đã có, nhưng cần các địa phương quyết tâm, cán bộ chịu khó làm ngoài giờ, đêm khuya vì dân thì chắc chắn trị được nạn loa kẹo kéo "hành" dân.
Bình luận (0)