Quyết thu hồi khu 'đất vàng' ở TP.HCM

27/05/2024 13:27 GMT+7

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành quyết định số 818 về việc giải quyết khiếu nại lần 2 của Công ty CP Giáo dục G Sài Gòn liên quan đến việc thu hồi khu đất có diện tích hơn 10.000m2 tại quận 10, TP.HCM.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường giữ nguyên quyết định của UBND TP.HCM về việc thu hồi khu đất hơn 10.000m2 tại số 419 Lê Hồng Phong vì đã hết hạn và không được gia hạn thuê đất.

Vào năm 2000, Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (tên hiện tại là Công ty G Sài Gòn) được thuê khu đất hơn 10.000m2 thuộc thửa đất số 3, tờ bản đồ số 9 để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách. Tháng 10.2007, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 061724 cho Công ty G Sài Gòn, thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 31.12.2020.

Ngày 21.9.2016, UBND quận 10 có báo cáo về kết quả kiểm tra hoạt động của Công ty G Sài Gòn và Công ty TNHH Thành Bưởi tại địa chỉ số 419 Lê Hồng Phong. Theo đó, UBND quận 10 kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chấm dứt cho thuê đất, thu hồi diện tích 10.000m2 đất nêu trên. Trước mắt, thu hồi 4.500m2 đất giao cho UBND quận 10 để xây dựng trường THCS đạt chuẩn theo quy định vì hiện nay cụm liên phường 1, 2, 3, 9, 10, 11 không có trường THCS.

Năm 2016 - 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng thanh tra và kiến nghị UBND TP.HCM xử lý Công ty G Sài Gòn vì sử dụng đất không đúng mục đích hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có một số lần kiểm tra hiện trạng sử dụng khu đất và tiếp tục phát hiện vi phạm trong việc sử dụng đất, cho thuê đất.

Quyết thu hồi khu 'đất vàng' ở TP.HCM- Ảnh 1.

Khu đất vàng này sử dụng sai mục đích đã bị UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi

NGỌC DƯƠNG

Từ những kiến nghị trên, ngày 28.5.2021 UBND TP.HCM có quyết định số 1968 thu hồi khu đất hơn 10.000m2 trên do đất được Nhà nước cho thuê có thời hạn, đã hết hạn thuê đất và không được gia hạn thuê đất.

Sau khi bị thu hồi đất, Công ty G Sài Gòn khiếu nại quyết định số 1968, trong đó yêu cầu thành phố thu hồi, hủy bỏ quyết định số 1968 nhằm tạo điều kiện cho công ty tiếp tục thuê đất và thực hiện đầu tư xây dựng phù hợp quy hoạch hoặc có giải pháp để hài hòa lợi ích giữa công ty và chính quyền địa phương.

Tháng 8.2023, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định số 3557 giải quyết khiếu nại lần đầu của Công ty G Sài Gòn, không công nhận nội dung khiếu nại của Công ty G Sài Gòn, giữ nguyên nội dung quyết định số 1968.

Không đồng ý với quyết định của UBND TP.HCM, Công ty G Sài Gòn tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần hai đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Ngày 1.11.2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hiện trạng tại khu đất trên thì Công ty G Sài Gòn chỉ đặt văn phòng ở tầng 2, không có hoạt động sản xuất. Toàn bộ tầng trệt, công ty đang cho nhiều doanh nghiệp thuê, gồm nhà xe Thành Bưởi (có 1 nhà kho chứa hàng hóa ký gửi), kho hàng của Công ty TNHH Thương mại Haruko (về vật liệu phụ gia), kho hàng chuyển phát nhanh của Viettel Post, kho hàng làm vật liệu hoa tươi của Cửa hàng hoa Thu Nga, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu DC Flowers, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa tươi Minh Minh, kho hàng phụ tùng ô tô của Công ty TNHH ô tô Thiên Phú.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận: Căn cứ luật Đất đai, UBND TP.HCM thu hồi khu đất đã cho Công ty G Sài Gòn thuê là phù hợp và giữ nguyên quyết định số 3557 của UBND TP.HCM về việc giải quyết khiếu nại lần đầu đối với Công ty G Sài Gòn là đúng quy định của pháp luật.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Trần Văn Bảy cho hay, quy trình giải quyết khiếu nại đã được TP.HCM thi hành đúng pháp luật. Do vậy, bước tiếp theo cần phải cưỡng chế và đề nghị UBND quận 10 căn cứ quy định pháp luật để cưỡng chế. Sở sẽ phối hợp cùng địa phương triển khai các bước chặt chẽ, đúng quy định để tránh phát sinh khiếu kiện.

Liên quan đến khu đất này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM hướng dẫn cụ thể về cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục triển khai các bước để tiến hành cưỡng chế, thu hồi khu đất số 419 Lê Hồng Phong để xây trường học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.