Ra đề thi sao cứ bị trùng?: Cần chấm dứt tình trạng dạy theo văn mẫu

12/06/2019 07:16 GMT+7

Nếu cứ khuyến khích học sinh viết văn theo bài mẫu để có điểm cao, không tạo cơ hội cho học sinh trình bày quan điểm của mình khi làm bài thì rất khó có những đề văn hay, mang tính sáng tạo, gây cảm xúc cho học sinh.

 

Học sinh muốn “ly dị” với môn văn

Dư luận và báo chí suốt thời gian dài đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực về việc nhàm chán trong dạy và học văn theo lối mòn, những bài văn được gọt sửa cho thật giống văn mẫu để đạt điểm cao… Ở nhiều trường tiểu học, giáo viên yêu cầu học sinh (HS) học thuộc lòng một số bài văn mẫu rồi bắt HS trả bài vanh vách không sót chữ nào đã không còn là chuyện hiếm. Chưa kể, có tình trạng giáo viên khuyến khích HS khi làm bài tập làm văn ở nhà thì lên mạng tìm các bài văn hay chép lại. Kiểu dạy như thế này đã bóp chết sự sáng tạo của HS.
Xã hội từng “dậy sóng” với lá đơn “xin ly dị” môn văn của một HS với những lý do được đưa ra khiến đa số HS đều đồng tình. Nhiều HS hài hước đề nghị bỏ thi môn ngữ văn vì lý do “đề bài yêu cầu HS viết theo cảm nghĩ của em nhưng khi chấm bài lại chấm theo ý của thầy cô”.

Chương trình mới, thi cử sẽ không theo SGK nào

Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào để thay đổi cách dạy và cách kiểm tra đánh giá môn văn theo kiểu rập khuôn, đếm ý cho điểm, PGS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên môn ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ trên nhiều phương diện. Trong đó, cần thay đổi cách kiểm tra - đánh giá theo các yêu cầu về năng lực đọc hiểu, năng lực viết một cách thực chất. Chẳng hạn khi dạy cần chú ý cách đọc hiểu văn bản theo một kiểu loại, vì thế khi kiểm tra đánh giá hoàn toàn có thể yêu cầu HS vận dụng cách ấy để đọc hiểu, phân tích, cảm thụ về một văn bản khác tương tự nhưng chưa được học. Ngoài ra, cách hỏi, hình thức kiểm tra cũng cần thay đổi; cách làm đáp án, cách chấm bài cũng phải thay đổi theo.
Để chấm dứt tình trạng SGK có bao nhiêu tác phẩm thì ra đề chỉ quanh quẩn trong chừng ấy nội dung, chương trình môn ngữ văn ở THPT sẽ không quy định “cứng” bao nhiêu tác phẩm bắt buộc nữa.
PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ: Việc lựa chọn tác giả, tác phẩm nào vào chương trình nhà trường luôn là vấn đề “nóng” mà những người biên soạn phải cân nhắc, thậm chí tranh luận rất nhiều. Một trong những hạn chế của chương trình, SGK hiện hành bị dư luận phàn nàn là chương trình môn ngữ văn các cấp dần dần bị bó hẹp, chỉ giới hạn trong một số tác phẩm, nhất là khi kiểm tra đánh giá. Cũng vì thế việc dạy học môn ngữ văn lâu nay nặng về đào sâu, phân tích tác phẩm, làm bài văn mẫu cho một số ít tác phẩm được học là chính; trong các kỳ thi quốc gia quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy tác phẩm quen thuộc, và nếu như đề thi ra về một tác phẩm khác chưa có trong SGK, HS sẽ hết sức lúng túng…
Theo ông Thống, chương trình mới sẽ phải đáp ứng cả 2 yêu cầu mở và bắt buộc. Giải pháp mới được xác định là bên cạnh việc chỉ gợi ý một số văn bản tiêu biểu cho các thể loại văn học, dành quyền chủ động, sáng tạo cho các tác giả SGK và giáo viên thì cần quy định một số tác phẩm bắt buộc; coi đó là một trong những yêu cầu của kiến thức cơ bản, cốt lõi mà HS tốt nghiệp phổ thông phải có.
Bà Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cũng khẳng định sự cần thiết phải thay đổi cách ra đề để giáo viên và HS yên tâm dạy học theo hướng phát triển năng lực, kỹ năng toàn diện của học trò thay vì chỉ cày nát SGK để đi thi như hiện nay. Làm được điều ấy với môn ngữ văn chắc chắn HS sẽ chịu khó đọc, tìm tòi các ngữ liệu khác nhau để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu của mình.
Bà Thanh cũng cho rằng mặc dù đề thi THPT quốc gia 4, 5 năm nay đã có thay đổi tích cực là đưa ngữ liệu ngoài SGK vào đề thi trong phần đọc hiểu nhưng phần này cũng chiếm 50% số điểm trong bài làm của thí sinh. Do vậy, việc dạy học văn phải thay đổi, tăng cường nghị luận xã hội, yêu cầu HS quan tâm hơn và có chính kiến trong những vấn đề thời sự, xã hội của đất nước. 
Yêu cầu thực hiện tốt việc ra đề thi và tuyển sinh
Xung quanh những lùm xùm về khâu ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở một số địa phương, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi giám đốc các sở GD- ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp tiểu học, THCS, THPT.
Theo đó, các sở GD-ĐT cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện tốt quy trình tuyển sinh theo đúng các quy định của Bộ, đặc biệt là khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi và xử lý kết quả tuyển sinh. Tất cả các công việc trong quy trình tuyển sinh phải được thực hiện đảm bảo tính trung thực, công bằng, khách quan.
Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 1 cấp tiểu học phải huy động 100% trẻ 6 tuổi trên địa bàn được vào học lớp 1 theo tuyến tuyển sinh, do ban tuyển sinh các cấp quy định; tổ chức phân tuyến khoa học, hợp lý để thực hiện đúng Điều lệ trường tiểu học. Các địa phương tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 cấp THCS, lớp 10 cấp THPT, tuyển sinh vào trường THPT chuyên phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của Bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.