Ra mắt bộ phim về thời niên thiếu của Bác Hồ

07/06/2024 07:03 GMT+7

Tối 5.6, Vầng trăng thơ ấu - bộ phim về thời niên thiếu của Bác Hồ, do Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần phim Giải Phóng sản xuất với kinh phí 20 tỉ đồng, đã có buổi chiếu đặc biệt để ra mắt khán giả và giới chuyên môn.

Bộ phim có đề tài đặc biệt

Kịch bản Vầng trăng thơ ấu từng đạt giải ba cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh tổ chức. Công ty cổ phần phim Giải Phóng (trước đây là hãng phim Giải Phóng) tâm đắc với kịch bản này và chọn làm đề án gửi Nhà nước thẩm định, duyệt kinh phí để thực hiện. Với mức đầu tư 20 tỉ đồng (Nhà nước rót vốn 100%), Vầng trăng thơ ấu được sản xuất cuối năm ngoái. Buổi ra mắt phim ở TP.HCM có sự góp mặt của dàn diễn viên: bé Phạm Hữu Đại đóng vai Nguyễn Sinh Cung, bé Lưu Văn An đóng vai Nguyễn Sinh Khiêm, Ngô Lệ Quyên vai bà Hoàng Thị Loan, Bạch Công Khanh đóng vai Nguyễn Tất Thành giai đoạn trưởng thành, và một số diễn viên khác.

Ra mắt bộ phim về thời niên thiếu của Bác Hồ- Ảnh 1.

Poster phim Vầng trăng thơ ấu

ảnh: ĐPCC

Đạo diễn - NSƯT Hồ Ngọc Xum chia sẻ: "Sau khi phim hoàn thành, chúng tôi thấy hài lòng trên 100% với bộ phim đặc biệt này, vì làm phim về đề tài thiếu nhi đã khó, làm phim về thời thiếu nhi của một vị lãnh tụ càng áp lực".

Vầng trăng thơ ấu lấy bối cảnh từ năm 1895 - 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm vào Huế lần đầu tiên. Trong giai đoạn hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ, nhưng Huế cũng bộc lộ rõ rệt nhất những mâu thuẫn giai cấp về quyền lực, an sinh. Cũng trong thời gian ở Huế, Nguyễn Sinh Cung đã trải qua một biến cố rất lớn khi thân mẫu Hoàng Thị Loan sau khi sinh con thứ tư trong sự vất vả khó nhọc, đã qua đời ngày 10.2.1901. Lúc ấy, thân phụ Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa, chỉ có Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi đứng ra làm chủ tang, cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày tết đang đến gần... Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim Vầng trăng thơ ấu có những chi tiết hư cấu, song đều dựa trên những tư liệu truyền miệng.

Tại buổi chiếu ra mắt, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng - đơn vị sản xuất bộ phim Vầng trăng thơ ấu, chia sẻ với Thanh Niên về việc vì sao ban đầu phim được ấn định sẽ do Sài Gòn Movies & Mega GS phát hành, đặt lịch khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 17.5 nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ (19.5.1890 - 19.5.2024), nhưng nay mới chỉ ra mắt trong phạm vi hẹp, chưa chiếu rộng rãi phục vụ khán giả tại các rạp trên toàn quốc.

Theo đó, ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết phim Vầng trăng thơ ấu không có trục trặc gì trong việc cấp phép phổ biến nội dung hay chất lượng, mà chậm tiến độ là do: "Công đoạn sản xuất phim chưa hoàn thành kịp bởi phim quay bối cảnh ở Huế và Nghệ An đúng vào đợt mưa lũ nên một số kế hoạch sau đó bị ách lại. Tuy nhiên, hãng phim đã cố gắng hết sức để Vầng trăng thơ ấu được ra mắt đúng ngày 5.6, nhân kỷ niệm 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2024)".

Phim của Nhà nước nên phải chờ chỉ định mới ra được rạp

Công ty cổ phần phim Giải Phóng đang gửi công văn cho cả Cục Điện ảnh lẫn Bộ VH-TT-DL để xin phép chiếu rộng rãi phục vụ khán giả tại các rạp trong tháng 6 này.

Ra mắt bộ phim về thời niên thiếu của Bác Hồ- Ảnh 2.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum (bìa trái) và các diễn viên trong Vầng trăng thơ ấu tại buổi ra mắt phim

ảnh: P.C.T

Dịp tết vừa qua có hiện tượng "cháy vé" với bộ phim Nhà nước đặt hàng là Đào, phở và piano, phía Cục Điện ảnh đã cho biết: "Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho việc sản xuất phim, chưa có quy định về tỷ lệ phần trăm khi phát hành ở rạp các phim Nhà nước đặt hàng 100% kinh phí". Khi đó, Trung tâm Chiếu phim quốc gia có trình chiếu Đào, phở và piano để phục vụ khán giả nhưng doanh thu phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Tiến Hưng cho hay: "Phim do Nhà nước đặt hàng hiện nay là chiếu phục vụ, chứ hoàn toàn không mang mục đích kinh doanh, muốn ra rạp chiếu thu tiền phải có sự cho phép từ cơ quan quản lý. Do vậy, khi chiếu bán vé thì phải theo chỉ định của Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh. Bộ VH-TT-DL phải có chỉ định cho các rạp thì họ mới chiếu, chứ họ chiếu đâu có lợi nhuận về doanh thu gì. Điều đơn vị sản xuất như chúng tôi quan tâm nhất chính là phim Vầng trăng thơ ấu phải đến được với đông đảo công chúng, để phục vụ tuyên truyền giá trị lịch sử, làm công tác chính trị, mang đến sự định hướng giáo dục cho các cháu thiếu nhi về tình yêu quê hương, đất nước, lòng hiếu thảo với gia đình, cha mẹ, mà Bác Hồ là biểu tượng của tấm gương đó; và điều này rõ ràng còn giá trị hơn nhiều".

"Nếu suôn sẻ thì có lẽ khoảng giữa tháng 6 này Vầng trăng thơ ấu sẽ được chiếu rạp, còn cụ thể như thế nào thì tôi cũng không quyết định được do Nhà nước bỏ vốn hoàn toàn. Chúng tôi sẽ làm văn bản đề nghị có một nguồn doanh thu nhất định để bù đắp lại cho chi phí của đơn vị phát hành và đề xuất giá vé ưu đãi, sẽ rẻ hơn mức giá xem các phim khác tại rạp, để mọi đối tượng công chúng đều có thể xem. Song song đó, chúng tôi sẽ phối hợp các trường cấp 1, 2, hoặc đại học, các trung tâm văn hóa… để có thể phổ biến phim rộng hơn", ông Hưng chia sẻ về kế hoạch phát hành. 

Phía công ty chúng tôi sẵn sàng nhận phát hành Vầng trăng thơ ấu mà không nhận phần trăm lợi nhuận gì, như hai doanh nghiệp tư nhân từng nhận phát hành Đào, phở và piano là Beta Media và Cinestar. Bởi chúng tôi nhận thấy phim về thời niên thiếu của Bác Hồ rất có ý nghĩa, dễ xem, nhiều đoạn gây xúc động và đây cũng là trách nhiệm xã hội và cộng đồng, mong muốn đông đảo khán giả có dịp thưởng thức, đặc biệt là khán giả thiếu nhi trong mùa hè này, nên rất hy vọng nhà nước chọn chúng tôi là đơn vị phát hành để phổ biến phim này tại rạp.

Vũ Bích Liên (đại diện chủ rạp Mega GS)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.