Ra mắt 'Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin'

23/07/2024 12:49 GMT+7

Sáng nay 23.7, Bộ LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Đến dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.

Trước khi bắt đầu chương trình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể đại biểu tham dự cúi đầu trong phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã anh dũng đã hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 góp mặt trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, 13 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, 36 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, hơn 200 thương binh, trong đó có 22 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 44 bệnh binh, 53 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác.

Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 33 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Bana, Chăm, Ê đê, Hrê, Jrai, Mường, Nùng, Paco, Ragiai, Tày, Thái…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trăn trở về việc vẫn còn gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

"Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt đối với chúng ta", Bộ trưởng Dung nói.

Ra mắt 'Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin'- Ảnh 1.

Ra mắt "Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ"

THU HẰNG

Thời gian qua, Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng.

Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Tại hội nghị, Ngân hàng Gen liệt sĩ và thân nhân đã ra mắt và được kỳ vọng giúp định danh, đưa 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin về với gia đình.

10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỉ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỉ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỉ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hóa thông tin bia mộ liệt sĩ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh", đến nay cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi "mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin" theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.