Ra mắt sách ‘Bình Dương - vùng đất anh hùng’

18/12/2022 06:52 GMT+7

Chiều 17.12, tại xã Bình Dương (H.Thăng Bình, Quảng Nam), Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức ra mắt hai tác phẩm Bình Dương - vùng đất anh hùng và Vườn mẹ , nhân kỷ niệm 50 năm Căn cứ lõm Bàu Bình (1972-2022).

Tác phẩm Bình Dương - vùng đất anh hùng chia làm 3 phần gồm: Bình Dương vùng đất anh hùng; Căn cứ lõm Bàu Bình và Đất và Người Bình Dương.

Nội dung tác phẩm không chỉ nói về Căn cứ lõm Bàu Bính, mà còn nhấn mạnh sự góp sức người, sức của, sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ. Chỉ nhắc đến những tên như Bàu Bính, Lạc Câu, cây Dương thần… đã gợi lên cho nhiều người dù đã đến đó hay chỉ mới nghe về nó niềm tự hào, lòng kính phục, niềm thân thương với những câu chuyện, những con người ở nơi đó như đi vào huyền thoại…

Ra mắt sách Bình Dương - vùng đất anh hùngVườn mẹ

mạnh cường

Tác phẩm Vườn mẹ ghi lại những không gian văn hóa tâm linh và lịch sử mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội to lớn. Vườn mẹ không chỉ là di tích lịch sử bi hùng mà còn là hình ảnh của một vùng quê giàu đẹp, văn minh.

Ngoài ra, hàng trăm bài viết trong cuốn sách thể hiện góc nhìn dung dị, tỉ mỉ và sâu sắc.

Căn cứ lõm Bàu Bính (ở xã Bình Dương) là một địa danh điển hình cho lòng quả cảm, kiên trung, sự hy sinh vô bờ bến của quân dân ta trong cuộc chiến đấu giành lại tự do. Với diện tích chỉ vài km vuông nhưng, từ năm 1971 đến cuối năm 1972, đồng bào, chiến sĩ căn cứ lõm này đã chiến đấu kiên cường giữa bốn bề là quân Mỹ. Lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân chiến đấu với tinh thần thép “Một tấc không đi, một li không rời”, giữ vững trận địa.

Lịch sử cũng nhắc đến cây Dương thần - cây dương độc nhất còn sót lại, mình đầy thương tích. Điều kỳ lạ, trên chót vót của cây có tổ đôi chim sáo - một biểu tượng của sự sống tưởng chừng rất mong manh nhưng kiêu hãnh và đầy thách thức.

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn là hai năm nhưng sự hình thành và hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính có ý nghĩa rất to lớn trong một giai đoạn lịch sử nhất định của dân tộc. Căn cứ lõm Bàu Bính đã là bàn đạp tiến công kẻ thù ở nhiều mặt trận, đưa phong trào cách mạng phát triển rộng khắp. Hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính đã góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến đến ngày thống nhất đất nước.

Tặng sách cho các đại biểu

mạnh cường

Điều có ý nghĩa nhất là qua các cuộc chiến đấu cam go, dù ta bị mất đất, mất dân vào một số thời điểm nhưng vẫn giữ được lòng dân. Hoạt động của căn cứ đã minh chứng sinh động cho nghệ thuật chiến tranh nhân dân.

Nhà văn Thái Bá Lợi cho biết, Bình Dương là xã có 4.700 người ngã xuống trong chiến tranh trên tổng số 7.869 người dân toàn xã. Xã có 1.347 liệt sĩ, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang, là xã được phong 3 lần danh hiệu Anh hùng.

Theo ông Lợi, những quyển sách này sẽ góp phần minh chứng một cách thuyết phục nhất cho mục tiêu các di tích cách mạng của Bình Dương xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia.

Tại buổi ra mắt, hàng chục quyển sách đã được trao tận tay các đại biểu tham dự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.