Sau những tác phẩm được đánh giá cao như: Sững sờ và run rẩy, Lặp lại, Nhật ký kẻ mị tình, mới đây, triết gia Kierkegaard trở lại với độc giả Việt Nam qua một tác phẩm với dung lượng ngắn nhưng lại có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn là Những mảnh vụn triết học, được ông viết dưới bút danh Johannes Climacus vào năm 1884.
Mở đầu cuốn sách, tác giả đã thể hiện rõ hàm ý mỉa mai của bản thân mình trong việc nhấn mạnh vào tựa đề sách cũng như đối tượng mà nó đả phá: hệ thống triết học vĩ đại của Hegel. Kierkegaard gọi tác phẩm này chỉ là một "mẩu nhỏ" và ông không hề có bất cứ kỳ vọng nào để nó là một cuốn sách có tính tầm cỡ. Ông nhấn mạnh nó "chỉ là một mẩu nhỏ và sẽ vẫn cứ là như vậy".
Chính sự tương phản giữa một "hệ thống triết học" và "những mẩu vụn triết học" ngay từ ban đầu đã cho ta thấy được sự kình chống giữa 2 quan điểm. Rõ ràng hơn nữa, Kierkegaard đang tấn công vào khiếm khuyết lớn nhất của hệ thống triết học Hegel – chính là tôn giáo – khi ông cho rằng người ta không nhận thức tôn giáo bằng lý trí hay giác quan, hoặc bằng những hiểu biết thông tuệ nhờ các hệ thống tư tưởng, mà chỉ có thể nhận thức điều đó thông qua đức tin.
Chẳng hạn, một trong những quan điểm của các nhà triết học theo trường phái Hegel là cho rằng lịch sử sẽ ngày càng mang chúng ta lại gần hơn tới một ý niệm nào đó, nhờ sự trợ giúp của những nhân vật "nổi danh thế giới" như Alexander Đại đế hay Napoleon... Điều này, theo Kierkegaard, dẫn đến thay vì chú ý đến những hiện sinh cá nhân vốn vô cùng thiết yếu đối với cuộc sống của mỗi một người, thì con người ta lại đang lạc quan quá đà, cũng như phụ thuộc vào lịch sử của thế giới này.
Do đó, Những mẫu vụn triết học chính là nỗ lực để ta hiểu rằng, trên hành trình nhận thức chân lý vĩnh hằng bằng đức tin, chỉ có chính bản thân kẻ mang đức tin trong mối liên hệ tuyệt đối với Thượng đế đóng vai trò quyết định, còn những yếu tố khác như người thầy hay hoàn cảnh lịch sử... là không có ý nghĩa gì.
Điều đó đã được thể hiện qua từng chương sách mà tác giả so sánh những ý tưởng của mình với các tư tưởng của Socrates hay Plato. Chẳng hạn, Socrates cho rằng "mọi sự học hành và tìm kiếm đều chỉ đơn thuần là hồi tưởng, để một người không biết gì chỉ cần được nhắc nhở, để chính hắn tự nhớ lại cái mà hắn vốn đã biết từ trước", từ đó nâng cao lên thành "mỗi cá nhân là trung tâm của chính hắn và thế giới lấy hắn làm trung tâm, bởi vì tri thức tự thân của hắn là tri thức về Thượng đế".
Trong khi đó, theo Kierkegaard, "để người học trò cần nắm được chân lý, thì người thầy cần phải mang nó đến cho hắn, và mang đến không chỉ đơn thuần cái chân lý mà còn cả cái điều kiện cần thiết để thấu hiểu được nó". Và nếu có người như thế thật sự tồn tại, thì "người đó không phải là người thầy mà còn hơn cả người thầy", bởi khi đó người thầy không những phải biến đổi học trò, mà còn phải "tái tạo hắn trước khi bắt đầu dạy", và chính vì vậy thì người thầy ấy ắt hẳn phải do Thượng đế thực hiện.
Đối với hệ thống Hegel, kiến thức đã đến một cách chủ quan (nội tâm), trong khi với Kierkegaard, nó đến nhờ ân sủng của Chúa thông qua đức tin. Do đó, có thể nói Những mảnh vụn triết học phản ánh mối quan tâm sâu sắc của Kierkegaard đối với nhận thức và lý thuyết về sự bất tử của linh hồn, cũng như là sự chán ghét của ông đối với phép biện giải. Và để thực hiện điều đó, ông đã xem xét 3 yếu tố quan trọng là tình trạng trước kia, người thầy và người môn đồ.
Cũng theo Kierkegaard, chính vì quan điểm đó mà có khả năng khái niệm "trung giới" (gần như bình quân) dễ bề xảy ra.
Từ đó Kierkegaard cho rằng tình yêu chính là động lực. Bởi theo ông, Thượng đế chẳng cần đến người học trò nào để có thể thấu hiểu được chính mình, vì vậy "nếu ngài tự thúc đẩy chính mình, không bởi sự cần thiết, vậy thì cái gì có thể thúc đẩy ngài, cái gì nếu không phải tình yêu?".
Ông cũng tiến đến so sánh mối quan hệ này với một vị vua và cô gái nghèo. Bởi lẽ mối quan hệ ấy không thể bình thường với những cách ngăn giai tầng, vì vậy hoặc là vị vua (hay Thượng đế) phải hạ mình xuống, hoặc là cô gái (hay người theo học) tự nâng mình lên. Mệnh đề thứ 2 gần như bất khả, trong khi cái đầu là có khả năng, vì vậy lại càng khẳng định tình yêu chính là động lực.
Càng về cuối sách, những câu hỏi như Chúa Kitô là gì, Thiên Chúa là gì, con người liên hệ với nhau như thế nào?... càng được đặt ra, góp phần quan trọng để đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện sinh mà Kierkegaard chính là trụ cột.
Bình luận (0)