Ra nước ngoài làm thợ, về khởi nghiệp thành công

20/10/2022 14:54 GMT+7

Ra đi khi tay trắng, nhiều lao động tại các huyện nghèo đã đổi đời, thoát nghèo nhờ chương trình xuất khẩu lao động . Thậm chí, có những lao động từ làm thợ, đã khởi nghiệp vươn lên làm chủ.

Xuất ngoại để thoát nghèo

Tốt nghiệp cao đẳng du lịch như bao bạn trẻ khác, Vũ Đình Gió, quê Bắc Hà (Lào Cai) mong muốn tìm được công việc làm ổn định. Nhưng mức lương trả cho sinh viên ra trường quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, trong khi bố mẹ làm nông còn nhiều khó khăn.

Anh Vũ Đình Gió khởi nghiệp thành công sau khi đi xuất khẩu lao động trở về

Minh Nguyệt

Sau bao đêm trăn trở, Gió đã quyết định nghỉ việc, học tiếng Hàn để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc để… thoát nghèo. “Mình sinh ra và lớn lên ở miền núi, làm nông từ bé nên nghĩ đi làm nông nghiệp tại Hàn Quốc là lựa chọn phù hợp. Sau này còn mang kiến thức học hỏi ở nước ngoài được về khởi nghiệp trên chính mảnh đất của quê hương”, Gió chia sẻ.

Với ý chí và nghị lực quyết tâm, 4 năm tại xứ sở Kim Chi, Vũ Đình Gió chăm chỉ học hỏi, làm việc và tích góp được số vốn kha khá. Trong nhiều lao động Việt Nam chọn con đường ở lại bất bất hợp pháp thì chàng trai 31 tuổi quyết định về quê khởi nghiệp mua đất trồng dâu, cà chua, xà lách...

Gió cho biết: "Khí hậu, thổ nhưỡng ở Bắc Hà cũng khác với Hàn Quốc, mình không trồng dâu trong nhà kính, mà trồng ở khe núi. Ban đầu, giống mình mang về trồng cây lớn lên cứ chết dần. Phải mất vài lần gieo trồng, nghiên cứu cách bón phân, xử lý nguồn nước, tận dụng nắng gió và độ ẩm… mình mới tìm ra được quy trình sản xuất chuẩn, cây dâu dần dần phát tốt và đã thu hoạch quả. Kết hợp công nghệ hiện đại với canh tác truyền thống, quả dâu tây giống Hàn Quốc cho quả to, thơm ngon vì thế quả cho giá trị cũng cao hơn".

Hiện tại mỗi 1 kg dâu tây tại vườn của anh Gió được bán ra với giá từ 200.000 - 400.000 đồng. Năm 2020 - 2021, dù đối mặt với dịch bệnh Covid-19, nhưng mô hình trồng dâu của Vũ Đình Gió cũng lãi hơn 300 triệu đồng. Chàng trai này còn dự định, sẽ mở rộng mô hình trồng dâu, thành lập nhà nuôi cấy và sản xuất cây giống. Ngoài ra, anh cũng đang xây dựng trang trại theo hướng vừa sản xuất vừa làm du lịch cộng đồng theo mùa vụ.

Nếu không đi xuất khẩu lao động, ở nhà trông chờ vào mấy xào lúa thì bây giờ Triệu Phụ Thanh, chàng thanh niên người Mông ở xã La Pan Tẩn (H.Mường Khương, Lào Cai) vẫn là hộ nghèo. Thanh là một trong những thanh niên đầu tiên ở xã La Pan Tẩn (H.Mường Khương) - xã có tới 90% là hộ nghèo và cận nghèo, dũng cảm ra nước ngoài làm việc.

Với bản tính nhanh nhẹn, thạo tiếng Hàn, Thanh từng được chủ sử dụng lao động nhiệm vụ quản lý trang trại lợn, thu nhập gần 70 triệu đồng/tháng. “Số tiền tích lũy đi Hàn, mình trồng 6 ha quế, chỉ 3 năm nữa vườn quế sẽ tăng giá trị hơn 3 triệu đồng. Bây giờ, cuộc sống của mình khá giả hơn, không còn nghèo đói. Tất cả đều là nhờ qua bên Hàn Quốc mình học rất nhiều kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào chăn nuôi, trồng trọt”, Thanh bộc bạch.

Hỗ trợ người nghèo đi làm việc ở nước ngoài

Mặc dù hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ toàn bộ tiền từ đào tạo định hướng, ăn ở, đến khi đi xuất cảnh. Tuy nhiên, 6 năm qua, toàn tỉnh Lào Cai mới chỉ có 7.000 lao động nghèo được xuất cảnh, mang lại 2.000 tỉ đồng cho các lao động khó khăn.

Ông Lê Văn Khiêm, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Bắc Hà cho biết, cả huyện mới có 15 lao động đăng ký đi lao động ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường chủ yếu là Hàn Quốc; Nhật Bản; Đài Loan… Hiện mới chỉ có một số lao động ở vùng có trình độ dân trí cao đăng ký đi làm việc ngoài nước. Nhiều vùng khác bà con rất thích đi nhưng vẫn còn e dè.

“Do là huyện nghèo, bà con chủ yếu là người dân tộc, làm nông nghiệp nên hầu hết lao động chỉ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài trong ngành nông nghiệp. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm điều kiện kinh tế địa phương vì sau khi trở về, lao động có thể áp dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có vào phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương", ông Khiêm nói.

Nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, ông Kiêm cho biết, tới đây, địa phương sẽ tăng cường công tác vận động, tư vấn cho bà con, phấn đấu hàng năm huyện sẽ có từ 50 - 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì thế việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là nội dung được tỉnh rất quan tâm và cụ thể hóa “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” vào trong các kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ngành lao động đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện tuyên truyền để người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách từ đó tham gia thị trường lao động đi làm việc ở nước ngoài. “Người lao động ra nước ngoài không chỉ thoát nghèo mà quan trọng hơn được rèn luyện hiểu biết ngoại ngữ, hiểu biết luật pháp, xây dựng tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề cho chính bản thân họ", bà Minh chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Đào, Phó chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay người lao động tại các huyện nghèo có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài sẽ được đào tạo ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng cơ bản để có thể chuyển đổi nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giúp họ có việc làm mới. Từ đó, người lao động có cơ hội học tập kinh nghiệm, tri thức, thu nhập cao hơn, giúp thoát nghèo bền vững.

Theo thống kê qua 10 năm (2009 - 2019) triển khai, toàn tỉnh Lào Cai đã có 665 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 3 năm (2017 - 2019), toàn tỉnh có 1.051 lao động đi làm việc có hợp đồng tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Lao động làm việc theo hợp đồng tại Trung Quốc có thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; tại thị trường Malaysia, Trung Đông có thu nhập bình quân từ 7 - 12 triệu đồng/người/tháng; tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... thu nhập từ 20 - 35 triệu đồng/người/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.