Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (thuộc Cục CSGT), cho hay vấn đề này phụ thuộc vào hoạt động tổ chức giao thông của cơ quan chuyên ngành giao thông và cần phải nghiên cứu. Cụ thể, cơ quan chức năng cần khảo sát, đo đếm lưu lượng để tính toán các thời gian, phân luồng…, từ đó mới xem xét cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, cho phép phân làn, tách làn, cắm các biển báo hiệu, vạch kẻ đường…
Theo đại tá Nhật, luật quy định đèn tín hiệu giao thông có 3 màu đỏ, vàng và xanh, có đếm thời gian hoặc không có thời gian. Bên cạnh đó, hệ thống đèn có nhiều loại, có chốt đèn thủ công đời cũ, có chốt đèn tín hiệu được điều khiển tại trung tâm chỉ huy và các thiết bị này đều có nguy cơ xảy ra sự cố, cần hiệu chỉnh. Do vậy, lực lượng chức năng khi xem xét hình ảnh để xử lý đều phải xác minh.
Hà Nội, TP.HCM căng thẳng vì kẹt xe
Cục CSGT cho biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, khắc phục "điểm đen", điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, biển báo... để nâng cao chỉ số an toàn cho người dân. CSGT các địa phương cũng khảo sát các tuyến, điểm, ngã tư... phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các ngã tư có nhiều vi phạm để xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện kỹ thuật để vận động người dân chấp hành luật. Ngoài ra, Cục CSGT đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan để nhanh chóng rà soát, khắc phục các cột đèn tín hiệu giao thông có hiện tượng hỏng và không xử phạt với người vi phạm tại các cột đèn đang gặp sự cố.
TP.HCM tổng rà soát đèn tín hiệu giao thông
Sau hơn 10 ngày áp dụng Nghị định 168/2024, ý thức tham gia giao thông của người dân tại TP.HCM đã chuyển biến tích cực, song tại các giao lộ xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài, khiến người dân than phiền. Trước thực tế này, các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc, tổng rà soát đèn tín hiệu giao thông. Bên cạnh đó, đại diện Phòng CSGT TP.HCM cho hay từ sau khi nghị định mới có hiệu lực, ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân được nâng cao, tại nhiều giao lộ người dân không rẽ phải, song xảy ra tình trạng ùn ứ. Từ đó, CSGT TP.HCM cho rằng việc rà soát lại tất cả các giao lộ để đề xuất phương án tổ chức giao thông cho xe 2 bánh rẽ phải khi đèn đỏ là phù hợp.
Về phần mình, Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị đang quản lý 1.070 chốt đèn tín hiệu giao thông (gọi tắt là đèn giao thông), gồm 794 chốt đèn hoạt động chế độ xanh - vàng - đỏ, 256 chốt đèn hoạt động chế độ chớp vàng. Hệ thống đèn giao thông được bảo trì thường xuyên, kịp thời phát hiện, sửa chữa, thay thế thiết bị, vật tư, khắc phục các sự cố. Dù vậy, quá trình vận hành vẫn còn xảy ra sự cố như mất nguồn cung cấp điện, hư hỏng thiết bị tủ điều khiển, hư hỏng đèn… dẫn đến khó khăn cho người dân.
Sở GTVT đánh giá kể từ khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.1, ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, tình trạng vượt đèn đỏ, rẽ phải khi đèn đỏ được hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, với mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, bề rộng mặt đường nhiều nơi hẹp dẫn đến phương tiện dừng chờ kéo dài. Nêu giải pháp, Sở cho biết ngoài việc điều chỉnh thời lượng đèn giao thông linh hoạt, đơn vị cũng rà soát, lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu cho phép một số phương tiện được phép rẽ phải, rẽ trái tại một số giao lộ nhằm hạn chế tình trạng lượng phương tiện dừng chờ kéo dài. Sau 10 ngày áp dụng luật mới, Sở GTVT bắt đầu gắn bảng tín hiệu cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ ở nhiều giao lộ với đường Điện Biên Phủ và đường Võ Thị Sáu (Q.1 và Q.3).
Về việc cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ, TS Trần Quang Thắng, đại biểu HĐND TP.HCM, đánh giá đây là giải pháp tình huống nhưng được nhiều người dân ủng hộ. Một đô thị đặc thù như TP.HCM cần các giải pháp linh hoạt, và trước khi mở rộng đồng loạt cần đánh giá từng vị trí. "Khi thấy bất cập thì điều chỉnh ngay chứ không quá cứng nhắc", ông nói thêm.
Đà Nẵng tăng vị trí rẽ phải khi có đèn đỏ
Từ nhiều năm nay, TP.Đà Nẵng đã áp dụng quy định cho phép phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ trên một số tuyến đường phù hợp với điều kiện giao thông, hạ tầng giao thông; và tại các giao lộ có đèn tín hiệu phụ với dấu mũi tên bật xanh hướng dẫn rẽ phải, biển báo và dấu kẻ đường. Hiện người dân đề nghị mở rộng áp dụng cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến đường giao với đường 1 chiều, ít xung đột giao thông.
Theo Sở GTVT TP.Đà Nẵng, nguyên tắc khi bố trí đèn đỏ được phép rẽ phải là lưu lượng xe rẽ phải nhiều, tuyến đường ít người đi bộ hoặc ít ảnh hưởng đến người đi bộ, bề rộng làn đường đủ rộng (tối thiểu 2 làn xe). Trong trường hợp hạ tầng giao thông mặt đường đủ rộng và đáp ứng các nội dung nêu trên thì bố trí
1 làn rẽ phải riêng... Trước thực trạng lượng phương tiện lớn, mật độ phương tiện trên một số trục chính trong giờ cao điểm ngày càng cao, TP.Đà Nẵng tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các nút giao thông phù hợp để tăng vị trí được rẽ phải khi đèn đỏ.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)