Hôm qua (10.8), Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7 của Quốc hội khóa XV, trong đó đưa ra cơ chế đặc thù, nhiều biện pháp mạnh để phấn đấu đạt mục tiêu sớm kiểm soát được dịch.
TP.HCM kiểm soát dịch trước 15.9
Để tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nghị quyết nêu rõ các giải pháp cấp bách cần triển khai, bao gồm: về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn.
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, chặt chẽ. Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác.
Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
Theo nghị quyết, TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9. Các tỉnh, TP khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25.8.
Hạn chế tối đa tử vong
Về xét nghiệm, Chính phủ yêu cầu các địa phương chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Các địa bàn thực hiện phong tỏa cần tập trung xét nghiệm để phát hiện F0 nhanh nhất. Đối với các địa bàn có mức độ lây lan rộng, sâu như TP.HCM và một số tỉnh lân cận, cần thực hiện đồng bộ trong xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tử vong và tuyệt đối không để lây lan sang các địa bàn khác.
Nghị quyết mới nêu rõ việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.
|
Về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn; các địa phương, bộ, ngành chỉ đạo cơ quan y tế, cơ sở y tế thuộc thẩm quyền tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỷ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỷ lệ chuyển bệnh nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp điều trị.
Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị ô xy y tế ở các tầng điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn. Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, ô xy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh.
Về vắc xin, thuốc điều trị Covid-19, Bộ Y tế cần kịp thời phân bổ vắc xin cho các tỉnh, TP, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm. Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị Covid-19.
Bộ Y tế cũng được giao căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để bố trí nguồn lực, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý 3/2021.
Xử lý hình sự việc cản trở, chống đối phòng chống dịch
Về thông tin, truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ giao Bộ Y tế, sở y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp là đầu mối cung cấp kịp thời thông tin chính thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức chuyên gia, tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối tượng F0, F1.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất một đầu mối về truyền thông, tăng cường hệ thống thông tin cơ sở, thường xuyên cung cấp các bản tin tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; cải chính, phản bác, đấu tranh với các thông tin xấu độc, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cấp, ngành, địa phương.
Bộ TT-TT và các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm thông suốt, an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là các hệ thống thông tin, nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo các lực lượng chức năng, doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các lực lượng khác sẵn sàng phương án để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo T.Ư và các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Vắc xin nội sẽ được hưởng cơ chế đặc thùNghị quyết cũng quyết nghị về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng chống Covid-19. Theo đó, đối với thuốc điều trị, vắc xin phòng Covid-19 được sản xuất tại Việt Nam, đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả điều trị của thuốc hoặc hiệu quả bảo vệ của vắc xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vắc xin được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia đối với thuốc, vắc xin thực hiện thử lâm sàng tại Việt Nam và ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với từng thuốc, vắc xin cụ thể, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
|
Nghị quyết nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Bình luận (0)