Rác đổ chỗ 'trũng'

04/07/2023 05:25 GMT+7

Hiện mỗi ngày TP.HCM phát sinh 9.800 - 10.000 tấn rác thải, trong đó khoảng 20% là rác thải xây dựng. Các công trình xây dựng nhà ở, dự án giao thông, chống ngập đều phát sinh xà bần, bùn đất cần được xử lý đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Không có nhà máy xử lý, rác thải xây dựng phải chuyển về các địa phương lân cận, hoặc chủ đầu tư phó thác cho nhà thầu tự xử kiểu đổ đâu cũng được. Những khu đất trống vắng người qua lại, ao hồ, đất nông nghiệp vùng trũng thấp trở thành bãi đáp bất đắc dĩ của nhà thầu bất lương.

Thống kê mới đây của Sở TN-MT TP.HCM cũng chỉ ra trong 171 bãi rác còn tồn đọng trên địa bàn thì có đến 102 điểm tái phát sinh. Điều này có nghĩa những nỗ lực ra quân dọn dẹp của các đoàn thể, cộng đồng dân cư tan thành "mây khói". Thực trạng trên cho thấy chỉ nỗ lực của người dân thôi là chưa đủ, mà quan trọng nhất vẫn là sự quyết liệt của chính quyền để mang lại môi trường sống trong lành cho cư dân.

Sau gần 4 năm thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, TP.HCM đã chuyển hóa 243 điểm ô nhiễm môi trường thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như khu vui chơi trẻ em, công viên, mảng xanh. Khách quan mà nói, đa số người dân đều biết và muốn giữ cho khu dân cư mình được sạch đẹp. Những bãi rác tái phát sinh đều do người từ nơi khác đổ trộm, từ vụn vải, túi ni lông cho đến xà bần, tủ gỗ…

Rác đổ chỗ "trũng". Đó là những khu đất trống không có cư dân ở, vắng người qua lại và thiếu vắng cả sự giám sát của chính quyền. Những phản ánh của người dân qua Tổng đài 1022, các nền tảng trực tuyến, đường dây nóng là kênh thông tin bổ ích giúp chính quyền nhận diện những "điểm nóng" về rác thải để phát hiện và xử lý kịp thời. Quan trọng hơn, ngoài việc vận động và kêu gọi, cơ quan chức năng cũng nên phạt nặng và bêu tên các trường hợp vi phạm để làm gương. Nếu không, hình ảnh ai dọn cứ dọn, ai xả cứ xả sẽ mãi là câu chuyện không hồi kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.