Rắc rối chứng tử nạn nhân bão Chanchu

02/04/2014 10:38 GMT+7

Bão Chanchu lịch sử đi qua đã 8 năm, nhiều người chồng, người cha đã mãi mãi không trở về. Thế nhưng, nhiều người vợ tại xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn chưa làm được giấy chứng tử cho chồng mình.

Rắc rối chứng tử nạn nhân bão Chanchu

Đã 8 năm nhưng bà Miên vẫn không làm được chúng tử cho chồng - Ảnh: Hoàng Sơn

Dù biết sự trở về của chồng mình là quá mong manh, nhưng bà Võ Thị Miên (45 tuổi, trú tại thôn Tân Phú) vẫn nuôi hy vọng, sau bão Chanchu anh Trần Minh Hùng sẽ về đoàn tụ với mẹ con bà. Nhưng càng trông càng vắng, bà buộc lòng phải tổ chức lễ mai táng, lập bàn thờ để nhang khói cho chồng. “Suốt 2 năm sau cơn bão, nghĩ tới cảnh chồng đã chết là tôi không chịu nổi. Tôi vẫn hy vọng có phép màu nào đó đưa anh ấy tìm về nhà!”, bà Miên nghẹn giọng. Năm 2008, bà đến UBND xã Tam Phú để làm giấy báo tử cho chồng. “Khi được Ban Tư pháp xã hướng dẫn, tôi lên Tòa án TP để làm thủ tục chứng tử. Nhưng kinh phí quá nhiều trong khi một mình tôi phải nuôi 5 đứa con ăn học nên đành quay về…” bà Miên kể.

Năm 2010, bà Miên lại đến UBND xã Tam Phú làm thủ tục chứng tử nhưng cũng đành quay về. Năm 2013, do lo con cái sẽ gặp khó khăn khi đi việc xin việc vì liên quan đến lí lịch, bà Miên lại đến gặp Ban Tư pháp xã để xin giấy báo tử. Theo bà Miên, Ban Tư pháp xã hướng dẫn phải lên TAND TP mới làm được thủ tục báo tử cho chồng. Ở xã không thể làm giấy báo tử khi không có thông báo mất tích từ phía tòa. “Họ nói phải làm thông báo chồng tôi đã mất tích và phải tốn phí đến cả chục triệu đồng. Chồng tôi đã mất, ai cũng biết nhưng làm báo tử sao thủ tục rắc rối quá...”, bà Miên thở dài. Sau khi bổ sung đủ giấy tờ, bà Miên còn phải bỏ chi phí để đăng thông báo tìm người vắng mặt trên báo hằng ngày của T.Ư trong 3 số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình trung ương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp.

Cần hướng dẫn có trách nhiệm

UBND xã Tam Phú cho biết, trong cơn bão Chanchu, địa phương có 5 trường hợp mất tích. Ngoài anh gia đình Trần Minh Hùng chưa làm được giấy chứng tử còn có gia đình các ngư dân: Trần Quốc Tuấn, Huỳnh Công Tổng, Trần Quang Tuyền, Nguyễn Minh Quang. Theo ông Lê Văn Hiển, cán bộ phụ trách Ban Tư pháp-Hộ tịch xã Tam Phú, sau khi nhận được yêu cầu làm giấy chứng tử, xã đã hướng dẫn bà Miên cũng như nhiều người khác lên TAND TP.Tam Kỳ làm giấy thông báo người thân mất tích. Ông Đặng Quốc Lộc, Chánh án TAND TP.Tam Kỳ cho biết, nếu xác làm xác nhận mất tích theo quy trình thì bà Miên sẽ tốn tiền bởi phải đăng thông báo tìm kiếm. Tuy nhiên, ngoài cách này, bà Miên chỉ cần làm đơn yêu cầu tòa tuyên bố là chồng đã chết thì không tốn phí. Theo ông Lộc, trong trường hợp bà Miên thì gần như chắc chắn đã đủ cơ sở để tuyên bố là chồng đã chết. Theo đó, chỉ cần làm đơn có xác nhận của địa phương về sự kiện pháp lý việc mất tích của ông Trần Minh Hùng. Thế nhưng, do nhận được đơn yêu cầu tuyên bố mất tích từ phía bà Miên nên TAND TP phải hướng dẫn theo đúng quy định. Ông Lộc nói: “Điều 81, khoản 1, điểm C, Bộ luật Dân sự có ghi: Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 1 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống thì đã có thể tuyên bố đã chết. Hiện chúng tôi đã cử cán bộ hướng dẫn cho bà Miên”.

Bão Chanchu thực sự là một thảm họa, hơn nữa đã 8 năm trôi qua mà người thân của cả 5 gia đình không trở về. Xét theo điều luật đã nêu có thể thấy đã quá “dư dả” điều kiện. Thế nhưng chỉ vì một cái đơn tuyên bố “mất tích” hay “đã chết” mà nhiều người vẫn chưa chứng tử được cho chồng mình. Nếu có sự hướng dẫn một cách có trách nhiệm và cảm thông từ ngành chức năng địa phương thì sự việc đã không kéo dài đến vậy.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.