Cặp vợ chồng này - vợ 31 tuổi, chồng 37 tuổi - kết hôn năm 2003 tại Anh và sinh sống ở đó tới nay. Đã 5 lần người vợ sẩy thai vì lý do sức khỏe, nên họ quyết định tìm đến người mang thai hộ. Thông qua một công ty môi giới ở bang California - nơi luật pháp cho phép đẻ mướn như một hoạt động thương mại - họ tìm được người phụ nữ ở bang Nevada. Danh tính của tất cả những người liên quan được giấu kín theo yêu cầu của tòa án.
Theo hợp đồng, họ đã trả cho người mang thai hộ 38.500 USD, chưa kể tiền môi giới 20.000 USD. Phôi thai thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng và tinh trùng của đôi vợ chồng được chuyển thành công vào cơ thể người phụ nữ Nevada đã phát triển thành 3 bào thai. Đến tháng 10.2012, tòa án bang Nevada đã cấp cho đôi vợ chồng giấy chứng nhận là cha mẹ hợp pháp của những đứa trẻ sắp ra đời.
Rồi việc sinh nở thành công hồi tháng 1.2013. Đến tháng 4.2013, những đứa trẻ được cha mẹ ruột đưa về Anh. Tại London, cặp đôi này tiếp tục ra tòa án xin cấp giấy chứng nhận quyền bảo hộ hợp pháp 3 đứa trẻ với tư cách là cha mẹ ruột. Và rắc rối nảy sinh tại đây. Tòa án Anh cho rằng khoản tiền 38.500 USD trả cho người đẻ thuê là “trái luật” của bang Nevada.
Vụ việc được đưa lên Tòa gia đình tối cao Anh quốc. Theo báo Straits Times, tại tòa này, các vấn đề được đặt ra là: số tiền 38.500 USD có phải là cao một cách bất thường không? Việc trả số tiền cao ngất ngưởng như vậy có phải là yếu tố khuyến dụ người phụ nữ Nevada mang thai hộ không? Và việc ứng xử của đôi vợ chồng với người mang thai hộ có thực sự là thiện chí và có hoen ố gì về mặt đạo đức không? Những vấn đề này được xem xét nhằm bảo đảm các điều kiện của đạo luật Thụ tinh và phôi thai người năm 2008 của Anh quốc được thỏa mãn, Straits Times cho biết.
Trả lời những câu hỏi này, Thẩm phán Tòa tối cao Lucy Theis trong phán quyết cho rằng: Số tiền 38.500 USD là “trái luật” vì nó cao một cách bất hợp lý so với chi phí mang thai hộ. Tuy nhiên, cặp vợ chồng không biết luật bang Nevada, và khoản tiền trên thực tế không quá lố đến mức gây tổn hại lên các quy định công cộng, không có tính chất mua chuộc người mang thai hộ, trong khi việc mang đến 3 thai nhi có rủi ro cao hơn, Thẩm phán Theis lập luận. Bà Theis cũng nhận định đôi vợ chồng hoàn toàn có thiện chí và không vi phạm gì về đạo đức đối với người phụ nữ mang thai hộ. Vì vậy, Thẩm phán Theis tuyên bố công nhận quyền bảo hộ con ruột hợp pháp của đôi vợ chồng.
Tuy nhiên, bà cũng khuyến cáo những người có ý định nhờ đẻ mướn ở nước ngoài phải hết sức kỹ lưỡng “để bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật và quyền tài phán ở nơi đó”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Đẻ mướn
>> Công nghệ đẻ mướn ở Ấn Độ
>> Đẻ mướn: Một thực tế chưa được công nhận
Bình luận (0)