Giữa tháng 11 có kết quả xét nghiệm mẫu B
Tại SEA Games 31 vừa qua, Tiểu ban Y tế và Phòng chống doping của Ban tổ chức nước chủ nhà Việt Nam đã tiến hành xét nghiệm hơn 1.000 mẫu thử doping và rất đáng buồn, đoàn Việt Nam lại có số lượng VĐV bị nghi dùng chất cấm với mẫu A, chiếm số lượng nhiều nhất Đông Nam Á - lên đến 5 VĐV, đều ở môn điền kinh (trong đó có 4 VĐV nữ, 1 VĐV nam và đều giành huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng). Mẫu B của các VĐV nói trên hiện đang ở phòng xét nghiệm tại Thái Lan và ít ngày tới, sau khi kết thúc đợt kiểm tra định kỳ của Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA), phòng xét nghiệm này mới có thời gian lấy kết quả và chậm nhất gửi cho phía VN vào khoảng giữa tháng 11.
Nếu dương tính với mẫu B doping thì các VĐV sẽ phải tiến hành điều trần và đứng trước nguy cơ bị phạt rất nặng từ Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, mà trước mắt là bị tước quyền thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9. Nhưng kể cả trong trường hợp nếu kết quả xét nghiệm là âm tính với mẫu B thì các VĐV Việt Nam này cũng không được phép tham dự đại hội (dự kiến khởi tranh từ ngày 9 - 21.12 tại 11 địa điểm, trong đó Quảng Ninh là địa điểm đăng cai chính).
Các VĐV tham gia tuyên truyền phòng chống doping tại SEA Games 31 |
HOÀNG QUÂN |
Phải trả lại ngân sách 8 tỉ đồng bởi vướng cơ chế
Theo một quan chức ngành thể thao, cho dù chưa có kết luận cuối cùng về việc 5 VĐV đội tuyển điền kinh Việt Nam có sử dụng chất cấm hay không, nhưng đây vẫn là bài học đắt giá cho thể thao Việt Nam và ngành mong muốn vấn nạn doping không xảy ra ở Đại hội thể thao toàn quốc. Hiện Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo phải nâng số lượng VĐV được lấy mẫu thử doping ở đại hội lần này lên khoảng 150 - 200 mẫu (tăng gấp khoảng 4 - 5 lần so với 2 kỳ đại hội năm 2014 và 2018). Mô hình lấy mẫu thử doping cũng được thực hiện như tại SEA Games.
Tuy nhiên, ngành thể thao lại đang vướng mắc rất nhiều khó khăn liên quan đến quy trình lấy mẫu xét nghiệm. Điều bất ngờ là khó khăn này lại không nằm ở vấn đề kinh phí. Tại SEA Games 31 vừa qua, riêng Tiểu ban Y tế và Phòng chống doping được cấp chi phí hoạt động là 13 tỉ đồng nhưng kết thúc SEA Games, tiểu ban này đã phải trả lại nhà nước số tiền 8 tỉ đồng (trong đó 6 tỉ đồng tiền được dự trù cho xét nghiệm doping và 2 tỉ đồng tiền vận chuyển các mẫu này ra nước ngoài). Tại sao vậy?
Theo quy định của nhà nước, gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ có giá trên 100 triệu đồng, bắt buộc phải tiến hành đấu thầu. Và nếu tài sản liên quan đến yếu tố quốc tế thì phải đấu thầu quốc tế. Gói thầu liên quan đến xét nghiệm doping tại SEA Games 31 có trị giá trên 100 triệu đồng nên phải đấu thầu. Nhưng doping là 1 lĩnh vực rất đặc thù.
Tại Việt Nam không có phòng xét nghiệm doping đạt chuẩn được WADA công nhận nên phải đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, cả châu Á chỉ có 7 phòng xét nghiệm đủ chuẩn của WADA nhưng không phải phòng xét nghiệm nào cũng sẵn sàng tham gia tiến hành đấu thầu do VN đề nghị. Chỉ có duy nhất phòng xét nghiệm của Thái Lan nhận lời (nơi mà thông báo kết quả mẫu A dương tính và sắp xét nghiệm mẫu B cho 5 VĐV VN dự SEA Games 31). Không có các hồ sơ gửi về để tham gia đấu thầu nhưng do Ban tổ chức SEA Games 31 lo được gói tài trợ từ 1 doanh nghiệp và đơn vị này đã đứng ra chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm cho hơn 1.000 mẫu. Vì đã có đối tác tài trợ nên khoản tiền 8 tỉ đồng như vừa nói ở trên phải trả lại ngân sách nhà nước.
Cần “cởi trói” cho những lĩnh vực đặc thù
Tương tự, Đại hội thể thao toàn quốc 2022 nếu muốn xét nghiệm doping, cũng phải tiến hành đấu thầu vì trị giá gói thầu cho 200 mẫu thử, dự kiến gần 1,1 tỉ đồng (bao gồm cả tiền xét nghiệm, di chuyển mẫu thử sang nước ngoài…). Nhưng Ban tổ chức sẽ không nhận được bất kỳ hồ sơ đấu thầu nào vì các phòng xét nghiệm doping ở châu Á không tham gia. Còn nếu muốn chỉ định thầu (cho phòng xét nghiệm của Thái Lan) thì gói thầu phải dưới 100 triệu đồng.
Một bác sĩ thể thao thuộc Trung tâm phòng chống doping quốc gia cho hay: “Số tiền này chỉ đủ để xét nghiệm khoảng 20 mẫu, quá ít so với nhu cầu. Tại Đại hội thể thao toàn quốc năm 2014 và 2018, chúng ta đều thử khoảng 40 mẫu mà không phải đấu thầu vì khi đó, Việt Nam được hỗ trợ kinh phí toàn bộ từ tổ chức phòng chống doping Đông Nam Á. Còn năm nay hoàn toàn khác. Chúng ta không có đối tác cả trong nước lẫn quốc tế để hỗ trợ tài chính cho xét nghiệm doping.
Chúng tôi muốn có sự điều chỉnh từ các cấp có thẩm quyền về các văn bản, các quy định liên quan đến những gói thầu có tính chất đặc thù như thế này. Vì trong tương lai, Việt Nam còn dự rất nhiều đại hội thể thao lớn của khu vực, châu lục và thế giới. Muốn siết chặt công tác phòng chống doping, cần xét nghiệm càng nhiều mẫu thử càng tốt, mà tốt nhất là tất cả các tuyển thủ Việt Nam trước khi chốt danh sách đoàn tham gia các đại hội này. Nếu bị bó buộc bởi cơ chế thì thể thao Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng”.
Bình luận (0)