Tên lửa Trường Chinh 5B trên bệ phóng |
afp/getty |
Ngày 24.7, Trung Quốc đã phóng thành công mô đun Vấn Thiên lên xây trạm không gian Thiên Cung từ bãi phóng trên đảo Hải Nam. Tên lửa đẩy mang theo mô đun là Trường Chinh 5B sẽ tiến nhập khí quyển trái đất trong tình trạng không được kiểm soát.
Đây không phải lần đầu tiên rác tên lửa của chương trình không gian Trung Quốc lao xuyên khí quyển địa cầu như thế này.
Tháng 5.2021, thế giới chờ đợi trong tâm trạng lo lắng khi các chuyên gia Mỹ, châu Âu nỗ lực xác định vị trí điểm rơi của rác tên lửa Trung Quốc, cũng phục vụ cho dự án lắp đặt trạm Thiên Cung.
Sau nhiều ngày căng thẳng theo dõi, giới khoa học và các cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, thở phào nhẹ nhõm khi biết rác tên lửa đã tiến nhập khí quyển ở vùng trời bên trên Ấn Độ Dương.
Giờ đây, tình trạng này lại tái diễn.
Vì rác không gian, giới bảo hiểm phải e dè |
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B có chiều dài 53 m, nặng 23 tấn. Trung tâm The Aerospace Corporation, do chính phủ Mỹ tài trợ hoạt động và theo dõi quá trình tiến nhập khí quyển của rác quỹ đạo, cho hay vẫn còn quá sớm để xác định điểm rơi của tên lửa Trung Quốc.
Trong tình huống tương tự hồi năm ngoái, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho hay việc xác định điểm tiến nhập khí quyển của tên lửa chỉ có thể thực hiện được trong vòng vài giờ trước khi điều đó diễn ra, theo Đài CNN.
Khác với Trung Quốc, các cơ quan không gian của những nước khác thường tìm cách dẫn dắt điểm rơi của các tên lửa đẩy nhằm đảm bảo chúng rơi xuống khu vực không đe dọa con người, theo ông Marlon Sorge, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rác quỹ đạo và tái nhập khí quyển của The Aerospace Corporation.
Bình luận (0)