Rác ứ trên kênh và bài học quản lý

12/03/2024 04:10 GMT+7

Câu chuyện rác ứ đọng cả tháng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vì chậm ký hợp đồng khiến cho cộng đồng vừa ngạc nhiên vừa khó hiểu với cách quản lý tuyến kênh được xem là đẹp nhất TP.HCM. Nó cũng bộc lộ những bất cập trong quản lý, vận hành và khai thác những giá trị sông nước mà chính quyền đang đặt nhiều kỳ vọng.

Quay lại thời điểm hơn 30 năm trước, Nhiêu Lộc - Thị Nghè là "dòng kênh chết" do ô nhiễm. Để hồi sinh, TP.HCM phải di dời hơn 50.000 người đến nơi ở mới, tốn hơn 8.600 tỉ đồng với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới. Tháng 8.2012, dự án khánh thành, hơn 1,2 triệu người ở các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Gò Vấp được hưởng lợi. Hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa với hàng cây xanh ngắt chạy dọc kênh đã biến nơi đây trở thành hình mẫu trong chiến lược chỉnh trang đô thị, cải tạo nhà ven kênh rạch của đô thị hơn 13 triệu dân.

Ở thời điểm hiện tại, rác thải đang được dọn vớt sau khi báo chí phản ánh và tiếp đó là sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP.HCM. Dọn dẹp vệ sinh là việc thường xuyên, định kỳ nhưng lại có sự thụ động ở tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cụ thể, giữa tháng 1.2024, Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở GTVT mới gửi UBND TP.HCM phương án thu gom rác trên kênh của năm 2024, tiếp đó phương án này được chuyển cho Sở TN-MT để tham mưu. Phương án chưa được duyệt thì không thể ký hợp đồng thu gom, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) dừng vớt rác vì lý do kinh phí. Hậu quả là rác ùn ứ gây ô nhiễm.

Trên dòng kênh dài gần 10 km này còn tồn tại một thực trạng khó hiểu khác khi bị ngăn thành 2 đoạn để quản lý. Đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) ra sông Sài Gòn (Q.1 và Q.Bình Thạnh) là tuyến đường thủy, giao cho Trung tâm Quản lý đường thủy quản lý, còn đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đường Út Tịch (Q.Tân Bình) là tuyến thoát nước, được giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng. Phân khúc dòng kênh đồng nghĩa với phân chia trách nhiệm. Nhưng "nước chảy bèo trôi", rác và lục bình trôi theo con nước, theo thủy triều chứ không dừng lại ở vạch phân định trách nhiệm mà cơ quan quản lý muốn đặt ra.

Và cũng chính sự cắt khúc quản lý đó mà những lợi thế về dòng kênh xanh chưa được khai thác hiệu quả. Tại nhiều hội thảo về du lịch sông nước, không ít chuyên gia bày tỏ sự tiếc nuối khi TP.HCM tốn hàng ngàn tỉ đồng hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng vẫn chưa thể làm sống lại hình ảnh "trên bến dưới thuyền" nhộn nhịp một thời. Một lý do được nhắc nhiều nhất là tĩnh không các cây cầu quá thấp, đến việc thu gom rác còn khó huống gì khai thác giao thông thủy hay chở khách vãn cảnh.

Việc phân khúc trách nhiệm trong nhiều trường hợp khiến công tác quản lý trở nên bất cập hơn. Như trên một tuyến đường, lòng đường do Sở GTVT quản lý, vỉa hè giao về cho UBND quận, huyện, còn trồng cây xanh hay trụ đèn chiếu sáng lại giao về Sở Xây dựng. Thế là khi có chuyện, 3 đơn vị này lại phải hỏi ý kiến nhau, rất mất thời gian.

Ngoài kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM đã và đang triển khai các dự án cải tạo kênh rạch lớn như Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát, Xuyên Tâm, kênh Đôi, kênh Tẻ. Nếu việc quản lý, vận hành vẫn bị cắt khúc thì không có gì đảm bảo tình trạng ứ đọng rác không tái diễn, chứ chưa nói đến khai thác giá trị sẵn có từ các dòng kênh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.