Leolabs, dịch vụ quản lý hoạt động của vệ tinh và các vật thể khác trên quỹ đạo địa cầu, đã phát hiện hai khối rác khổng lồ suýt nữa va chạm nhau vào ngày 13.9.
Space.com hôm 22.9 đưa tin một trong số này là rác vệ tinh hết hoạt động của Liên Xô, và khối rác còn lại là phần thân tên lửa đẩy của Trung Quốc.
Leolabs xác nhận vệ tinh của Liên Xô là Cosmos 807, trọng lượng 400 kg và được phóng lên quỹ đạo năm 1976, còn rác của Trung Quốc nặng đến 2.000 kg, là tầng đẩy của tên lửa Trường Chinh 4C.
Hai khối rác này đang di chuyển với tốc độ khoảng 7,5 km/giây, hoặc hơn 27.000 km/giờ ở độ cao 689 km.
Một vụ va chạm giữa hai khối rác vũ trụ khổng lồ với kích thước như trên có thể tạo ra khoảng 3.000 mảnh vỡ trên quỹ đạo địa cầu, theo Leolabs.
Khí quyển ở độ cao này rất loãng, có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian để các mảnh vụn nhỏ xuất phát từ những vụ va chạm dạng này có thể rơi xuống địa cầu mà không gây tổn hại gì.
Vì rác không gian, giới bảo hiểm phải e dè
Và trong thời gian chờ chúng rơi xuống, các vệ tinh đang hoạt động trên cùng độ cao đối mặt nguy cơ bị phá hủy trong trường hợp "đụng độ" với rác vũ trụ.
Leolabs tính toán khoảng cách giữa vệ tinh Liên Xô và tầng đẩy của tên lửa Trung Quốc là 36 m, cộng/trừ 13 m.
Bình luận (0)