Rầm rộ chuyển nhượng dự án điện mặt trời

11/05/2021 06:48 GMT+7

Việc hàng loạt tập đoàn tư nhân trong nước bán các dự án điện mặt trời cho các tập đoàn nước ngoài đang khiến giới chuyên gia và người trong ngành lo lắng.

“Lướt sóng”

Nói đến người Thái với các công trình ĐMT, thì không thể quên 2 dự án TTC1 và TTC2 ở Tây Ninh. Sau khi mua lại cổ phần của Thành Thành Công, Tập đoàn năng lượng Gulf Energy Development lần lượt sở hữu 90 - 95% vốn tại các dự án này. Đầu năm ngoái, các công ty này thay thương hiệu TCC để mang tên Công ty CP Gulf Tây Ninh 1, 2.
Các dự án này hầu hết ở gần biển, hoặc biên giới. Đây là vấn đề nghiêm trọng và sẽ còn tiếp tục nghiêm trọng
TS Trần Đình Thiên
Trước đó, cụm dự án ĐMT Dầu Tiếng ở Tây Ninh của Công ty CP năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh từng được cho là công trình ĐMT lớn nhất Đông Nam Á với quy mô 420 MW do liên danh giữa Công ty năng lượng B.Grimm Power - một nhánh đầu tư của Tập đoàn Thái Lan B.Grimm với một đối tác trong nước. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 tháng khánh thành, đối tác ngoại đã trở thành đại diện pháp luật đồng thời nắm ghế chủ tịch HĐQT trong doanh nghiệp (DN) sau khi nâng tỷ lệ cổ phần lên đa số.
Sớm hơn nữa, từ năm 2018, Công ty Super Energy Corporation cũng đến từ Thái Lan đã mua lại cổ phần và đầu tư vào ĐMT Văn Giáo 1, 2 tại An Giang; các dự án điện gió Thịnh Long (Phú Yên), Sinenergy Ninh Thuận... Đến nay, DN này đã tham gia hơn 10 dự án. Các đối tác Ả Rập Xê Út, Philippines cũng đang sở hữu nhiều dự án ĐMT ở Việt Nam.
Tháng 4 vừa rồi, thương vụ Tập đoàn Trung Nam bán 49% cổ phần tại dự án điện mặt trời (ĐMT) Trung Nam Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho Công ty CP kỹ thuật công nghiệp Á Châu được hai bên xác nhận, khiến không ít người bất ngờ. Dự án được chuyển nhượng có vốn đầu tư tới 5.000 tỉ đồng, với công suất 204 MW vừa được vận hành hơn 1 năm trước và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi.
Việc ồ ạt chuyển nhượng dự án năng lượng tái tạo trong thời gian ngắn khiến các chuyên gia kinh tế lo lắng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng còn có trường hợp “lướt sóng”, khi có giấy phép là bán để hưởng chênh lệch. TS Trần Đình Thiên cũng đặt vấn đề có những DN “đặt gạch” số dự án có mức đầu tư gấp hàng chục lần số vốn đăng ký.
Ông Thiên lo ngại: “Các dự án này hầu hết ở gần biển, hoặc biên giới. Đây là vấn đề nghiêm trọng và sẽ còn tiếp tục nghiêm trọng”. “Thật đáng ngại khi chúng ta không biết ông chủ thực sự của những dự án đó là ai, năng lực của họ thế nào”, bà Phạm Chi Lan bày tỏ.

Rồi cũng sẽ “trao tay” điện gió, điện khí?

Trả lời Thanh Niên hôm qua (10.5), ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), cho rằng việc chuyển nhượng dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường, được quy định trong luật Đầu tư và được Sở hoặc Bộ KH-ĐT thụ lý tùy theo quy mô dự án.
Việc các nhà đầu tư ngoại thông qua DN trong nước để tham gia các dự án là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện. Bởi DN ngoại thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy.
“Nhiều tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới đi mua lại dự án để tránh các rủi ro thời gian và chi phí ở giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền. Họ chỉ mua lại khi các dự án có hiệu quả, lợi ích cho họ vì vậy giá điện phải được thiết kế để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư thì chúng ta mới hy vọng thu hút được đầu tư và có thể nói giá bán điện cố định của các dự án ĐMT vừa qua đủ hấp dẫn họ”, ông Dũng lý giải.
Đặc biệt, ông Dũng cho biết Cục cũng có nhận được công văn xin ý kiến (gửi cả một số bộ, ngành) của địa phương có dự án chuyển nhượng. “Họ có xin ý kiến đối với vấn đề an ninh quốc phòng, tuy nhiên vì không phải chức năng quản lý của chúng tôi nên chúng tôi không góp ý về vấn đề này. Mà trước cả khi phê duyệt chủ trương, chỗ nào nhạy cảm, cột cao bao nhiêu để không ảnh hưởng an ninh quốc phòng… cũng có dự án xin ý kiến”, ông Dũng nói.
Dù vậy, bà Phạm Chi Lan đánh giá đây là vấn đề quốc gia, không để địa phương tùy nghi quyết định được. Theo bà: “Vì dự án tuy nhỏ nhưng tác động lớn đến tầm quốc gia”, nên “phải là đơn vị chuyên trách nhà nước có đủ năng lực xem xét thẩm định từ công nghệ, năng lực nhà đầu tư”. TS Thiên cũng cho rằng đây là vấn đề an ninh năng lượng lẫn an ninh quốc gia, không chỉ đặt vấn đề phát triển sản lượng bằng mọi giá.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cũng lo ngại trong phụ lục dự thảo Quy hoạch điện 8 đang trình Chính phủ thì kinh nghiệm cho thấy đơn vị có năng lực không nhiều, nhất là dự án điện khí. “Do đó, rồi sẽ bán trao tay mà chủ yếu là cho DN nước ngoài. Nhưng trong đó có cả dự án đã có tên từ Quy hoạch 7, thì liệu chúng ta có gạch tên họ hay không”, ông Sơn nói.
Theo vị này, ở tầm T.Ư, sẽ không dễ để tạo ra các hàng rào vì không khéo sẽ bị lôi vào các vụ kiện về phân biện đối xử, bởi năng lượng là lĩnh vực chúng ta kêu gọi thu hút đầu tư cũng như có các cam kết quốc tế.
Không nên quá hồn nhiên nói về sản lượng. Phải có DN nội tham gia với họ, nhất là các DN nhà nước như EVN, PVN đối với các dự án điện gió, trấn ải từ ngoài khơi. Hội nhập nhưng chúng ta phải có hàng rào kỹ thuật để hạn chế.
TS Trần Đình Thiên
“Tuy nhiên, ở tầm địa phương hoàn toàn có thể đặt ra các rào cản về điều kiện chung, như DN muốn làm dự án thì phải đi cùng dự án trong bao nhiêu năm, chuyển nhượng thì phải đáp ứng các điều kiện không để ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, năng lượng. Chúng ta đã phân cấp rất nhiều quyền cho địa phương trong duyệt dự án, nhưng trách nhiệm thì chưa tương xứng”, ông Sơn chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.