Rầm rộ trường ĐH tổ chức thi tuyển sinh riêng, nên không?

Đặng Tự Ân
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF)
03/03/2023 09:29 GMT+7

Các trường ĐH không nên tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để tránh tạo thêm áp lực cho thí sinh, gây tốn kém cho gia đình và xã hội.

Quá nhiều phương án tuyển sinh

Sau 13 năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương thức "ba chung" (chung đề, chung đợt thi và chung kết quả thi), cho tới năm 2015, Bộ GD-ĐT đã chuyển đổi tổ chức thi tốt nghiệp theo phương thức "hai trong một". Đây là một kỳ thi với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).

Đây được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo Nghị quyết 29 năm 2013 của Trung ương khóa XI.

Qua 8 năm tổ chức kỳ thi theo phương thức "hai trong một" đã khẳng định được tính ổn định và hiệu quả của kỳ thi, vốn có tầm quan trọng số một trong đánh giá và thi ở giáo dục phổ thông và cho ta cơ sở cho tuyển sinh vào học các cấp sau phổ thông của thí sinh.

Năm 2022 có tới 52,38% học sinh dùng điểm thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Do đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT có vị trí rất lớn và luôn nhận được sự quan tâm của học sinh, gia đình các em và toàn xã hội.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đánh giá tốt về quá trình tuyển sinh vào ĐH năm 2022. Tuy nhiên, hiện cả nước có khoảng hơn 20 phương án tuyển sinh vào ĐH là quá nhiều, gây khó khăn cho chính các trường trong khâu tổ chức thực hiện và cả thí sinh.

Tồn tại này cần được rút kinh nghiệm cho tuyển sinh năm 2023. Bộ GD-ĐT đã khẳng định về định hướng và hướng dẫn cụ thể tổ chức tuyển sinh vào ĐH là được giữ ổn định cho tới sau năm 2025 khi chúng ta có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Các trường ĐH không nên tổ chức thi tuyển sinh riêng - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tạo thêm áp lực cho thí sinh

Năm nay, các trường ĐH khởi động tuyển sinh sớm từ giữa tháng 2. Việc có tới khoảng 10 trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng (tức thi đầu vào ĐH), tăng gấp đôi năm 2022, là điểm khác biệt lớn, gây xôn xao trong xã hội và học sinh THPT cả nước.

Chúng tôi lo rằng, quyền tự chủ tuyển sinh sẽ dẫn đến hầu hết các trường sẽ tổ chức thi riêng hoặc dùng kết quả thi chung của cả nhóm trường. Nếu mỗi trường tổ chức thi vào ĐH theo quy chế riêng của mình, sẽ tạo áp lực rất lớn lên thí sinh. Các em phải dự hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT theo luật Giáo dục và thi vào ĐH.

Thi đánh giá năng lực khác thi đánh giá tư duy và các trường lại chọn môn thi cũng khác nhau. Do đó, việc các trường tổ chức thi độc lập sẽ cho kết quả khác nhau, không tương đương. Nhiều thí sinh sẽ đăng ký dự thi nhiều hơn một trường để đảm bảo "an toàn" cho trúng tuyển. Điều này gây tốn kém cho cho gia đình các em và khuấy động cho xã hội.

Chắc chắn, sĩ tử lại lũ lượt tìm tới trường ĐH, tìm lớp để luyện thi mong cho học sát nội dung thi. Quá trình tham gia thi vào nhiều trường của một bộ phận thí sinh sẽ gây ra tâm lý thiếu nghiêm túc, ảnh hưởng tới các bạn thi. Chúng tôi hình dung, bức tranh thi cử này được lại tái hiện của hơn chục năm trước mà chúng ta đã làm cách mạng để bỏ đi.

Theo chúng tôi, cần giữ nguyên và có điều chỉnh (nhỏ) theo quy chế đã tuyển sinh vào ĐH của các trường năm 2022 và tham khảo ở cả 3 năm gần đây. Về lâu dài chúng ta chỉ nên tổ chức kỳ thi chung đề cho các trường ĐH như kiểu SAT, ACT ở các nước đang làm.

Các trường ĐH không nên tổ chức thi tuyển sinh riêng - Ảnh 2.

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, giờ đây thí sinh đối mặt với nhiều kỳ thi riêng tuyển sinh riêng của các trường ĐH

ĐỘC LẬP

Với những trường có tính chất đặc thù sẽ tổ chức kiểm tra riêng để chọn được thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Theo luật Giáo dục, học sinh tốt nghiệp THPT phải trải qua một kỳ thi, tuy nhiên kỳ thi này có thể theo cấp quốc gia hoặc phân cấp cho các địa phương.

Nếu phân cấp cho địa phương và Bộ GD-ĐT công nhận kết quả thì kỳ thi sẽ nhẹ nhàng, không tốn kém và không gây áp lực và giúp thí sinh chỉ phải tập trung ôn tập vào một kỳ thi vào ĐH chung cả nước. Thi ít sẽ giảm áp lực và tiết kiệm nguồn lực vật chất và con người rất nhiều.

Về lâu dài, chúng tôi đề xuất, kỳ thi tuyển sinh vào ĐH ngoài có đề thi chung cả nước thì cần tổ chức thi nhiều đợt và tuyển sinh nhiều lần, có thể ít nhất hai đợt mùa thu và mùa xuân.

Với thực tế của giáo dục phổ thông Việt Nam và tham khảo một số nước trên thế giới, chúng ta vẫn cần đánh giá tuyển sinh vào ĐH dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ và quá trình rèn luyện của thí sinh ở cấp học phổ thông.

Ngoài ra, cơ quan làm nhiệm vụ tuyển sinh, đánh giá học sinh nói chung nên là cơ quan chuyên môn, học thuật có tư cách pháp nhân trực thuộc Bộ GD-ĐT mà không là cơ quan quản lý nhà nước như bây giờ.

* Tác giả là Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.