Rầm rộ 'xẻ thịt' đất lúa để bán làm gạch

16/06/2019 16:26 GMT+7

Nhiều thửa ruộng ở H.Tân Hồng (Đồng Tháp) bị đào lớp đất sét trên mặt để bán cho cơ sở sản xuất gạch ngói. Tình trạng 'xẻ thịt' đất trái phép này diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý.

Trong vòng 2 năm qua, khi phong trào nuôi cá tra phát triển ở H.Tân Hồng (Đồng Tháp) thì nhiều người cũng lợi dụng việc đào ao nuôi cá tra để "xẻ thịt" lớp đất mặt, đem bán.

Ngang nhiên "xẻ thịt"

Đi dọc tuyến kênh Trung Ương thuộc ấp Tân Bảnh, xã Tân Phước, H.Tân Hồng sẽ dễ dàng gặp nhiều máy xúc vươn cần tận thu nguồn đất mặt trên các thửa ruộng để các xe tải đưa đến bãi tập kết. Một số thửa ruộng đã đào lớp đất mặt bên trên tạo thành những cái ao lớn, với độ sâu khoảng 5 m. Gần đó, có ít nhất 2 bãi tập kết đất dưới bến sông, với 2 sà lan sắt chờ nhận đất để chuyển đi nơi khác.
Tại bãi tập kết đất nằm ở tuyến dân cư Tân Phước - Tân Thành A, máy xúc cũng tích cực cho đất xuống sà lan. Dù đây là hình thức khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép nhưng mọi việc diễn ra rất công khai. Thấy có người lạ xuất hiện, vài thanh niên gần khu vực bãi tập kết đất còn tỏ ý hăm dọa.
Ông Phan Văn Tư sống ở tuyến dân cư Tân Phước - Tân Thành A, H.Tân Hồng, cho hay tình trạng người dân nơi khác đến khai thác và vận chuyển lớp đất mặt đi nơi khác diễn ra gần 1 năm qua, nhưng rầm rộ nhất là từ đầu năm 2019 đến nay. Theo ông Tư, mỗi công đất lúa được họ mua với giá 100 triệu đồng, sau đó đào lấy lớp đất mặt sâu xuống 4 - 5 m để bán cho các sà lan vận chuyển đi bán lại cho cơ sở sản xuất gạch ngói. Khi đã tận dụng và bán hết phần đất sét trên mặt ruộng, các thửa ruộng này trở thành ao và được bán lại cho người nuôi cá tra cũng với giá 100 triệu đồng, bằng số tiền mua đất ban đầu.
“Giá 1 m3 đất như thế là 70.000 đồng. Hầu như ngày nào cũng có sà lan đến lấy đất, nhiều chiếc trọng tải lớn vài trăm tấn, nhỏ nhất cũng 150 tấn. Nhóm người này hoạt động gần như công khai mà không thấy bị xử lý”, ông Tư nói.
Ngoài xã Tân Phước, việc khai thác lớp đất mặt rồi vận chuyển đi nơi khác trái phép cũng diễn ra với quy mô lớn tại ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, H.Tân Hồng. Dọc theo tuyến kênh Tân Thành - Lò Gạch, có ít nhất 3 điểm tập kết hàng trăm m3 đất được hình thành với chiều cao vài mét. Các xe tải vận chuyển đất từ bãi tập kết đưa xuống sà lan diễn ra vô cùng nhộn nhịp và ngang nhiên. Trong khi sà lan này chưa được đổ đầy, đã có sà lan khác đến neo đậu chờ “lấy hàng”.

Đoàn kiểm tra bị đối tượng đào đất “rình”

Ông Phan Công Hổ, Trưởng phòng TN-MT H.Tân Hồng, cho biết việc "xẻ thịt" lớp đất mặt như trên là hình thức khai thác khoáng sản; tổ chức hoặc cá nhân muốn khai thác, đưa đi nơi khác phải được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép.
Hiện nay, việc khai thác và vận chuyển lớp đất mặt tại xã Tân Phước và Tân Hộ Cơ là hình thức khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép. Bởi diện tích đất ruộng ở đây không thuộc các dự án triển khai, đồng thời không có một cá nhân, tổ chức nào được tỉnh cấp phép khai thác.
Một điểm tập kết đất từ việc "xẻ thịt" đất mặt trái phép tại xã Tân Phước, H.Tân Hồng. ẢNH: TRẦN NGỌC
Riêng tại xã Tân Hộ Cơ, tuy cá nhân ông Võ Hữu Hiền (ngụ TX.Hồng Ngự, Đồng Tháp) được UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất cho chuyển phần đất dư sau khi đào ao nuôi cá trên phần đất có diện tích hơn 43.300 m2 đi nơi khác, nhưng ông Hiền phải nộp các loại thuế, phí tài nguyên và môi trường theo quy định.
Theo ông Hổ, đến nay ông Hiền chưa thực hiện các loại thuế và phí khai thác khoáng sản theo quy định, do đó nếu ngành chức năng huyện kiểm tra, phát hiện ông Hiền khai thác và vận chuyển lớp đất mặt đi nơi khác sẽ bị xử lý theo quy định.
“Khi đoàn kiểm tra huyện rình bắt các đối tượng khai thác, vận chuyển đất trái phép thì bị các đối tượng này rình lại. Chúng tôi đã triển khai lực lượng bắt 2 tuần liên tiếp mà không được. UBND huyện kiên quyết xử lý nghiêm không để cho các đối tượng này tồn tại vì ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và phá vỡ quy hoạch đất đai”, ông Hổ nói.

Siêu lợi nhuận

Theo văn bản hướng dẫn nghĩa vụ tài chính của Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp vào ngày 19.4.2019 đối với ông Võ Hữu Hiền về khai thác đất tại H.Tân Hồng, nếu ông Hiền muốn chuyển phần đất dư ra khỏi công trình để làm gạch thì tổng số thuế và phí bảo vệ môi trường ông phải nộp cho 1m3 đất khai thác là 25.100 đồng. Đối với việc vận chuyển 1m3 đất đi nơi khác để san lấp thì chỉ nộp thuế và phí bảo vệ môi trường 7.950 đồng. Như vậy, với giá bán đất cho các sà lan 70.000 đồng/1 m3 để làm gạch thì người khai thác thu được 44.900 đồng, thu được siêu lợi nhuận nên một số đối tượng đã đua nhau “xẻ thịt” đất lúa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.