Rằm tháng giêng năm nay rơi vào ngày 12.2.2025. Rằm tháng giêng được người Việt coi trọng, là một trong những rằm lớn của năm. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa, chuẩn bị mâm cúng tại gia.
Rằm tháng giêng quan trọng thế nào?
TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, theo quan niệm của người Việt mỗi năm có 3 rằm lớn là: rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và rằm tháng mười hay còn gọi Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên và Tết Hạ nguyên.
![Rằm tháng giêng: Vì sao người Việt coi trọng ngày này?- Ảnh 1. Rằm tháng giêng: Vì sao người Việt coi trọng ngày này?- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/4764845939373168818092602848427831139222931n-1739243326725146888895.jpg)
Rằm tháng giêng là một trong những rằm lớn được người Việt coi trọng
ẢNH: DIỆU MI
Đời sống người Việt trước đây gắn liền với nghề nông, rất coi trọng trời - đất - nước nên 3 ngày rằm lớn gắn với thiên quan tấn phước (rằm tháng giêng), địa quan xá tội (rằm tháng bảy) và thủy quan giải ách (rằm tháng mười).
Theo TS Dương Hoàng Lộc, người Việt có quan niệm "cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng". Do đó, vào ngày rằm tháng giêng, người Việt thường cúng kiếng Phật, thần linh, ông bà tổ tiên để cầu một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa, mọi việc hanh thông, vuông tròn.
Đây cũng là dịp nhiều người đi các chùa, đình, đền, miếu... hành hương, sau đó về nhà chuẩn bị mâm cúng dâng lên bàn thờ Phật, tổ tiên. Mâm cúng rằm tháng giêng thường đơn giản với xôi, chè, hoa, quả, một số gia đình chuẩn bị thêm đồ ăn (có thể là chay hoặc mặn tùy gia đình) để cúng.
![Rằm tháng giêng: Vì sao người Việt coi trọng ngày này?- Ảnh 2. Rằm tháng giêng: Vì sao người Việt coi trọng ngày này?- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/4756865789323587589717393956568697157840155n-173924305753315706824.jpg)
Phật tử theo các đoàn hành hương cùng quý sư thầy đến thăm tu viện Khánh An (Q.12) ngày đầu năm
ẢNH: DIỆU MI
Ngày nay, vì cuộc sống đô thị bận rộn, nhiều gia đình thay vì nấu nướng đã đặt các mâm cúng trên online để "đơn giản hóa" hơn việc cúng kiếng.
Tại TP.HCM, cộng đồng người Hoa sinh sống ở khu Chợ Lớn đông đúc, ngày rằm tháng giêng còn trùng với Tết Nguyên tiêu của người Hoa. Vì vậy, dịp này, người Việt cũng được xem những lễ rước kiệu của người Hoa, cũng như cách người Hoa treo đèn lồng đỏ, múa lân vào những ngày này.
Đi chùa rằm tháng giêng có ý nghĩa gì?
Dịp rằm đầu năm, một số người dân vẫn giữ thói quen tìm nơi dâng sao giải hạn để cầu năm mới mọi "hạn" đều qua. Tuy nhiên, thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa, GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) khẳng định dâng sao giải hạn cầu cho mình thì không có trong đạo Phật.
Văn hóa Việt Nam ít nhiều ảnh hưởng văn hóa của đạo Lão, đạo Nho, theo đó dân gian tin rằng mỗi con người có một vì sao chiếu mạng mình; sao sáng, mờ, tối thì vận hạn mình cũng lên, xuống.
![Rằm tháng giêng: Vì sao người Việt coi trọng ngày này?- Ảnh 3. Rằm tháng giêng: Vì sao người Việt coi trọng ngày này?- Ảnh 3.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/ram-thang-gieng-1739243057647374485315.jpg)
Phật tử lễ chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM)
ẢNH: DIỆU MI
Ngày xưa khi người ta chưa hiểu đạo thì mới đến chùa cầu thế này thế kia để được giải hạn, các vị thiền sư, tổ sư cũng đưa họ vào đạo nhưng khi đã đưa vào thì các vị tiếp tục dẫn dắt người ta đi vào con đường chánh.
"Trong nhà Phật nhắc nhở mọi người, không phải cầu cho mình không gặp khó khăn, mà cầu cho mình có đủ nghị lực để đi qua khó khăn. Tương tự, không phải cầu cho mình sống cuộc đời an ổn, mà cầu cho bản thân có chìa khóa giải quyết vấn đề bất an được an ổn", thượng tọa Thích Trí Chơn nói.
Đại đức Thích Minh Phú, ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó thường trực ban Từ thiện xã hội GHPGVN, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) cũng cho hay, vào ngày rằm tháng giêng, Phật tử thường ăn chay, đi chùa lễ bái, sám hối, nguyện cầu một năm an lạc với bản thân và gia đình.
![Rằm tháng giêng: Vì sao người Việt coi trọng ngày này?- Ảnh 4. Rằm tháng giêng: Vì sao người Việt coi trọng ngày này?- Ảnh 4.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/ram-thang-gieng-1-17392430575171536204883.jpg)
Dịp này, người dân hay đến chùa để sám hối, cầu quốc thái dân an
ẢNH: DIỆU MI
Ngày này, Phật tử thường mang hoa quả, nhang đèn đến chùa dâng lên Tam Bảo, tham dự các khóa lễ sám hối, qua đó tu tâm, dưỡng đức, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh, lắng lòng theo lời kinh, tiếng kệ, nhịp mõ, tiếng chuông, tìm cầu phút giây an lạc. Dịp này, người dân và Phật tử cũng đối trước Tam Bảo cầu an cho bản thân gia đình.
Theo vị đại đức, Phật tử, người dân khi đến chùa không nên đặt nặng vấn đề phải đốt nhiều hương để được "chứng". Quan trọng hơn hết là tấm lòng thành kính, do vậy, mỗi người chỉ nên dâng một nén hương là đủ.
"Đạo Phật chú trọng là tâm chứ không đặt nặng vấn đề hình thức. Khi đến chùa nếu nhìn thấy trong lư đã có đốt hương thì không cần tiếp tục đốt nữa, chỉ cần thành kính trước Tam Bảo khấn nguyện là được. Không có nén hương nào có thể đại diện cho tấm lòng người học Phật hơn nén "tâm hương", không khói, không hương nhưng lại quý báu vô cùng", đại đức Thích Minh Phú chia sẻ.
Bình luận (0)