Sau 3 tháng đến Mỹ, Dương Văn Linh đã làm Chủ tịch Hội Lãnh đạo châu Á tại Trường ĐH Drexel. Sau 3 năm ở Mỹ, Linh nhận tấm bằng ĐH loại xuất sắc, để trở thành chuyên gia tư vấn chiến lược của Ernst & Young, một trong những tập đoàn tư vấn và kiểm toán hàng đầu thế giới.
|
Tôi gặp Dương Văn Linh ở ga tàu điện ngầm khi anh vừa kết thúc một buổi giảng kỹ năng mềm cho sinh viên ở Trường ĐH New York, đó là công việc tình nguyện mà như Linh nói: “Ngày xưa mình được anh chị đi trước giúp đỡ, giờ là lúc mình đóng góp lại cho cộng đồng”.
Công việc của Linh hiện nay là tư vấn chiến lược. Linh và đồng nghiệp tại Ernst & Young thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia để tư vấn về chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc tập đoàn và xâm nhập thị trường mới…
3 năm trước, tháng 9.2011, Linh tới Mỹ nhập học ngành kế toán tài chính tại Trường ĐH Drexel ở Philadelphia, bang Pennsylvania, ngôi trường với chương trình thực tập 6 tháng có lương lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ.
Linh làm Chủ tịch Hội Lãnh đạo châu Á Ascend tại Đại học Drexel trong suốt 3 năm. Ascend - Pan Asian Leaders là tổ chức lãnh đạo lớn nhất của người châu Á tại Mỹ và Canada với mạng lưới hơn 20.000 thành viên là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc điều hành của các tập đoàn đa quốc gia và lực lượng sinh viên trẻ năng động.
Những thành tích nổi bật của Linh đã gây ấn tượng mạnh với các giáo sư, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn ở Mỹ. Năm 2011, Linh vinh dự là đại diện duy nhất của Trường ĐH Drexel tại Hội nghị Lãnh đạo trẻ (Youth Leadership Summit) tại Nhà Trắng và tại Trường Quản trị kinh doanh Harvard.
Để giảm chi phí của bố mẹ, ngay từ năm thứ 2 ở Mỹ, Linh đã xin thực tập ở các công ty lớn, nhận mức lương hơn 25.000 USD/6 tháng thực tập. Số tiền đó tạm đủ cho Linh đóng học phí, chi trả ăn ở trong 6 tháng còn lại học tập ở trường.
Tốt nghiệp Đại học Drexel hạng xuất sắc, dù được nhận vào làm ở hãng kiểm toán khổng lồ PwC nhưng Linh vẫn quyết “luyện công” để thi tuyển ngành tư vấn chiến lược, một công việc mà chàng trai thích thử thách này luôn mơ ước.
Cuối năm 2012, công sức của Linh đã được đền đáp khi nhận được lời mời làm công việc tư vấn tại 2 tập đoàn danh tiếng Deloitte và Ernst & Young. Cuối cùng, Linh chọn Ernst & Young.
Vị trí tư vấn chiến lược cũng là ước mơ của hàng triệu sinh viên ở Mỹ, ngay cả người Mỹ cũng khó vào được, có những năm hãng này loại hơn 1.000 hồ sơ của các thạc sĩ quản trị kinh doanh để lấy một vị trí chuyên gia tư vấn. Trường hợp hãng này lấy sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp ở một trường không nằm trong Ivy League (nhóm các trường ĐH hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Princeton, Yale…) là điều cực hiếm.
Dù cực kỳ bận rộn với công việc tư vấn, nhưng Linh vẫn đảm nhiệm xuất sắc vai trò đại sứ và thành viên trẻ nhất trong Ban quản trị của Institute for Global Student Success (IGSS). IGSS là chương trình được khởi xướng và điều hành bởi các giáo sư của trường kinh doanh nổi tiếng Wharton, New York University và CEOs của các tập đoàn tư vấn chiến lược. Mục tiêu chính của tổ chức này là đào tạo kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp và xây dựng chiến lược phỏng vấn cho các sinh viên quốc tế tham gia ứng tuyển các tập đoàn đa quốc gia tại Mỹ. Linh thường xuyên giới thiệu các suất học bổng trên trang www.sinhvienusa.org, trang tin lớn nhất của cộng đồng du học sinh VN tại Mỹ.
Nhận xét về Dương Văn Linh, Giáo sư Alan Kerzner, Trường Kinh doanh Wharton, Chủ tịch Institute for Global Student Success nói: “Linh Dương là một người xuất sắc với tố chất lãnh đạo tuyệt vời, có tầm nhìn chiến lược dựa trên nền tảng kiến thức tốt và tính cách của một người nhân hậu. Tôi đặc biệt ấn tượng về cậu ta bởi khả năng thuyết trình hết sức tự nhiên với nội dung sâu sắc. Khả năng thuyết trình của cậu ta còn tốt hơn những chuyên gia có 20 - 30 năm kinh nghiệm. Điều thứ hai tôi ấn tượng ở chàng trai này là tinh thần cầu tiến, không bao giờ hài lòng với những gì đã đạt được. Dù cậu ta đã trở thành chuyên gia tư vấn cho một trong bốn hãng tư vấn và kiểm toán lớn nhất thế giới nhưng Linh Dương vẫn không ngừng học tập và tham gia hoạt động tình nguyện. Tôi thường tự hào giới thiệu với các sinh viên quốc tế về Linh như một điển hình về sự thành công của sinh viên nước ngoài tại Mỹ”. |
Káp Thành Long
>> Rạng danh đất Việt: Được lưu tên trên bức tường Viện Ung thư Anderson
>> Rạng danh đất Việt: Chiếc nhẫn bảo mật
Bình luận (0)