Rạp quốc doanh đìu hiu, nhếch nhác
Tại TP.HCM hiện có nhiều rạp chiếu phim bị đưa vào sử dụng cho những mục đích khác do không duy trì được việc chiếu phim, có nơi bị bỏ hoang. Rạp Cầu Bông trên đường Đinh Tiên Hoàng nay là tụ điểm kinh doanh billiards, cà phê; rạp Quốc Thanh trên đường Nguyễn Trãi trở thành trung tâm tiệc cưới; rạp Tân Định trên đường Hai Bà Trưng đã thành siêu thị sách; rạp Vinh Quang trên đường Pasteur đã đập bỏ, vừa được sử dụng làm quán nhậu và hiện đang thi công xây dựng cao ốc; rạp Măng Non trên đường Đồng Khởi đã được đập bỏ cách nay mấy năm để xây dựng cao ốc; rạp Hồng Liên ở đường Hậu Giang giờ biến thành quán bar... Một số rạp vẫn sáng đèn thì hoạt động cầm chừng, chiếu toàn phim cũ như Tân Sơn Nhất (hiện vẫn còn chiếu phim tết Iu anh em dzám không), Fafilm - một thời lừng lẫy và oanh liệt - thì đang xuống cấp trầm trọng.
|
Rạp Đống Đa, Thăng Long thuộc Công ty điện ảnh TP.HCM (hùn vốn 51% cùng Công ty CP truyền thông - điện ảnh Sài Gòn) từng là nơi được xem là có đầu tư sửa chữa và tươm tất nhất trong số các rạp nhà nước tại TP.HCM, nay một cái thì bị cháy, đập phá hoàn toàn (rạp Thăng Long), cái còn lại hoạt động cũng không mấy hiệu quả khi rạp chiếu nhỏ, không hiện đại như các cụm rạp tư nhân khác.
Mỗi rạp quốc doanh tại TP.HCM hiện nay lại thuộc về một đơn vị “chủ quản” khác nhau, chứ không phải tất cả đều “quy về một mối” nên việc khó đồng bộ giữa các rạp quốc doanh với nhau, hay “mạnh ai nấy làm” theo kiểu của mình là điều không khó hiểu. Có thể nhận thấy, rất ít các rạp chiếu thuộc sở hữu của nhà nước có sự thay đổi để theo kịp cuộc đua với tư nhân. Không có nguồn phim, không được đầu tư, hệ thống rạp chiếu phim nhà nước hầu như tê liệt. Đây là những nguyên nhân khiến phim Việt Nam bị đẩy ra khỏi rạp sau vài buổi chiếu; phim tài liệu, hoạt hình không được đưa vào chương trình chiếu dù đã có quy định về vấn đề này.
Rạp tư nhân ngày càng đông khách
Nếu nửa cuối thập niên 1990 chứng kiến cảnh các nhà phát hành tiên phong trong thị trường chiếu bóng VN như Visionet (liên doanh Cinema One và Fafilm Việt Nam), A-Net (Hàn Quốc)... nhập phim và tranh nhau rạp chiếu, thì nay quyền lực đã thực sự chuyển về những hệ thống “bao thầu trọn gói” cả việc chiếu bóng, nhập phim và phát hành. Xu hướng này đã đẩy các rạp nhà nước với cơ sở hạ tầng cũ kỹ và các rạp cải tiến theo kiểu “nửa vời” như Cinebox, Thăng Long, Đống Đa, Fafilm (TP.HCM)... chịu nhiều sức ép để có được nguồn phim chiếu mới có thể cạnh tranh được với các “đại gia” như MegaStar, Galaxy, BHD...
Chưa có thời điểm nào mà hoạt động xây mới hoàn toàn hệ thống rạp chiếu do nước ngoài và tư nhân đầu tư lại ồ ạt như hiện nay. Tư nhân không chỉ nắm gần như toàn bộ thị trường phim nhập khẩu, bỏ tiền sản xuất phần lớn các bộ phim lớn ra rạp trong năm mà còn đang sở hữu hầu hết các cụm rạp hiện đại ở các thành phố lớn. Riêng địa bàn TP.HCM, MegaStar đã có 5 cụm rạp lớn trải khắp từ trung tâm đến các quận ven thành phố. Galaxy có 4 cụm rạp từ Q.1 sang Q.6, Q.Tân Bình. BHD có 2 cụm rạp ở trung tâm, hệ thống Lotte cũng có 2 cụm rạp ở Q.7 và khu Cộng Hòa - Tân Bình. Phim bom tấn chiếu cùng lúc với thế giới, nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn liên tục được tổ chức ở các cụm rạp này đã khiến khán giả Việt kéo đến rạp ngày càng đông. Xem phim đã trở thành một sở thích của những người trẻ hiện đại.
Con số doanh thu khủng hoàn toàn về các rạp chiếu tư nhân đã cho thấy sự lãng phí của các rạp nhà nước sở hữu những vị trí đắc địa, đồng thời cũng cho thấy sự yếu kém, chậm chạp trong quản lý của các công ty điện ảnh quốc doanh tại VN.
“Các rạp quốc doanh hiểu rõ luôn là mình không năng động bằng các rạp tư nhân ở nhiều khâu: đầu tư, thời cơ, đội ngũ, cách tiếp thị... Chúng tôi hiểu rõ là phải thay đổi thì mới có thể “sống” được, nhưng với đơn vị nhà nước, cơ chế là nếu thay đổi phải qua nhiều cấp, họp bàn... khiến sự thay đổi diễn ra quá chậm trễ. Sắp tới, các rạp Thăng Long, Toàn Thắng, Đống Đa sẽ được làm mới theo đúng style đồng bộ 3 rạp, như kiểu của Galaxy, MegaStar để có thể theo kịp xu thế thời đại mà các bạn trẻ ưa chuộng”. Bà Ánh Loan P.C.T |
Việt Nam - Thị trường điện ảnh mới nổi Với tiêu đề 13 hot emerging markets (tạm dịch: 13 thị trường điện ảnh mới nổi), tạp chí điện ảnh The Hollywood Reporter (Mỹ) phát hành tháng 5.2013 nhận định thị trường điện ảnh Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Việt Nam với khoảng 86 triệu dân đạt doanh thu phòng vé năm 2012 ước tính 43 triệu USD (903 tỉ đồng). So với năm 2008 đạt 7 triệu USD, doanh thu phòng vé Việt Nam năm 2012 tăng đến 614%, giữ tốc độ tăng cao nhất trong số 13 thị trường điện ảnh phát triển “nóng” nhất thế giới gồm: Thái Lan (từ 2008 đến 2012 tăng 41%), Ai Cập (27%), Đài Loan (137%), Colombia (118%), Philippines (123%), Ecuador (123%), Oman (112%), Singapore (41%), Nam Phi (58%), Indonesia (171%), Malaysia (132%) và UAE - Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (75%). Đ.T |
Phan Cao Tùng
>> Chất vấn về đề án 10.800 tỉ đồng xây nhà hát, rạp chiếu phim
>> Ly kỳ "Rạp chiếu phim Bí mật" ở Anh
>> Thêm một cụm rạp chiếu phim tại TP.HCM
>> Rạp chiếu phim đồng quê
>> Mỹ bắt một người mang súng đến rạp chiếu phim Người Dơi 3
>> Cháy rạp chiếu phim và 10 căn nhà
>> Cháy rạp chiếu phim Thăng Long
>> Cụm rạp chiếu phim MegaStar Paragon mở cửa trở lại
>> Cầu hôn trong rạp chiếu phim
>> Lee Byung Hun có rạp chiếu phim riêng
>> Đà Lạt sẽ không còn rạp chiếu phim
Bình luận (0)