Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?

Rạp hát 'hàng không mẫu hạm Sài Gòn'

15/08/2023 07:09 GMT+7

Sau rất nhiều lần thuyết phục, cháu nội của ông Nguyễn Văn Hảo (đại phú gia đất Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1975) mới chịu chia sẻ câu chuyện về rạp hát Nguyễn Văn Hảo, vốn được gọi là "hàng không mẫu hạm Sài Gòn". Lý do gì mà người cháu nội ông Hảo lại "né" khi nói về rạp hát từng là niềm tự hào của gia tộc mình?

Rạp hát cải lương cạnh tranh với phim Âu, Mỹ

Theo tờ báo Tiếng Dội trước năm 1975, rạp hát Nguyễn Văn Hảo mang dấu ấn của nhiều đoàn cải lương nổi tiếng trước năm 1975 như: đoàn Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao, đoàn Kim Chung, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương… và cả những phim Việt ăn khách như Con ma nhà họ Hứa. Đặc biệt, tờ Tiếng Dội còn dành chuyên mục Kịch trường do nhà báo Trần Tấn Quốc chủ biên để viết về đời sống cải lương ở Sài Gòn trước năm 1975. Chuyên mục Kịch trường năm 1953 kể lại diễn biến đoàn hát Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao giải thể, đoàn Hương Hoa ra mắt tại rạp Nguyễn Văn Hảo vào ngày 6.7.1953.

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?:Rạp hát 'hàng không mẫu hạm Sài Gòn' - Ảnh 1.

Rạp Nguyễn Văn Hảo nay là Nhà hát Kịch TP nhưng tạm thời ngưng biểu diễn từ năm 2019 đến nay

Ngọc Dương

Với chuyên mục này, ông Trần Tấn Quốc tin rằng: "Viết về cải lương vì khán giả mộ điệu rất đông, ký giả có thể sống được với chuyên mục mà khán giả đang kỳ vọng". Cũng theo mục Kịch trường, nhà hát Nguyễn Văn Hảo được mệnh danh là "hàng không mẫu hạm" vì có sân khấu lớn tới mức ông bầu Bảy Cao có thể mang cả cánh máy bay lên sân khấu, phối hợp với máy chiếu phim thể hiện cảnh máy bay ném bom, xe tăng, xe lửa, bắn súng, tập trận… lên phông hậu, tạo thành một sân khấu hoành tráng, khiến khán giả phải trầm trồ.

Rạp hát 'hàng không mẫu hạm Sài Gòn' - Ảnh 2.

Bức ảnh rạp Nguyễn Văn Hảo khai trương năm 1940 hiện còn ở nhà từ đường gia tộc Nguyễn Văn Hảo

Gia đình cung cấp

Anh Nguyễn Tâm Tiến, cháu nội đại gia Nguyễn Văn Hảo, kể: "Theo hình ảnh, giấy tờ bằng khoán hồi đó gia đình còn giữ lại thì rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân trên đường Trần Hưng Đạo) được khánh thành cùng thời gian với một loạt nhà cho thuê của ông nội vào năm 1939 - 1940. Đó là 16 căn nhà kế bên rạp, mỗi nhà có 1 trệt 1 lầu, để cho thuê. Ngôi nhà tôi đang ở hiện nay là của ông nội, xây vào khoảng năm 1932 - 1935. Hồi đó ông nội đi làm có tiền nên mới xây rạp hát, cư xá cho thuê đặng sau này con cháu có chỗ làm ăn. Ở vào thời thịnh hành của cải lương, rạp Nguyễn Văn Hảo chỉ cho những đoàn hát lớn, có tiếng thuê".

Anh Tiến được ba anh là ông Nguyễn Tâm Thạnh kể lại, dù ông Thạnh không theo làm kinh doanh như ông nội nhưng trước năm 1975, chỉ cần cho thuê rạp hát, cư xá là đủ nuôi đàn con đông đúc. Từ năm 1970, ông Thạnh không trực tiếp quản lý rạp hát mà cho một người tên Nguyễn Văn Đối thuê lại chiếu phim vì thời đó cải lương bắt đầu bị ế do điện ảnh phát triển. Khi ông Đối thuê để chiếu phim thì mới sửa lại rạp như hiện nay. Sau năm 1975, rạp được giao lại cho Sở VH-TT TP.HCM quản lý, đổi tên thành rạp Công Nhân.

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?:Rạp hát 'hàng không mẫu hạm Sài Gòn' - Ảnh 2.

Chuyên mục Kịch trường trên báo Tiếng Dội chuyên viết về nghệ thuật cải lương trước năm 1975

Lê Vân sưu tầm

Thay tên đổi chủ rồi… đóng cửa

Vào khoảng những năm đầu của thập niên 1990, rạp Công Nhân được cải tạo, trở thành trụ sở của Nhà hát Kịch TP.HCM, sau đó xuống cấp trầm trọng. Rồi rạp được cải tạo trở thành nơi tập, diễn của Nhà hát Kịch TP.HCM. Đến năm 2019, rạp bị hỏa hoạn và đóng cửa để tu sửa tiếp, ngưng biểu diễn. Cuối tháng 6.2023, khi chúng tôi đến thì rạp vẫn ngưng biểu diễn, hiện là trụ sở làm việc của Nhà hát Kịch TP.

Chị Nguyễn Ngọc Thúy, cũng là cháu nội ông Hảo, nhớ lại: "Hồi đó ông nội chỉ có một người con là ba tôi. Ba tôi sau này có tới 9 người con, ba an tâm vì nghĩ nhà đất của ông bà nhiều, giao cho con cháu quản. Sau năm 1975, rạp hát và hầu hết nhà cửa của ông nội giao lại cho TP quản lý. Nay nhà tôi đang ở có 15 người cả con, cháu nhưng cũng chỉ đi làm cho người ta kiếm sống qua ngày".

Rạp hát 'hàng không mẫu hạm Sài Gòn' - Ảnh 4.

Anh Tiến ở ngôi nhà trăm tuổi của ông Hảo, người xây rạp “hàng không mẫu hạm Sài Gòn”

Lê Vân

Ngôi nhà có tuổi đời gần 100 năm ở mũi tàu 3 mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, Yersin, Ký Con (Q.1, TP.HCM) có khắc chữ Nguyễn Văn Hảo cũng là tài sản của ông Nguyễn Văn Hảo. Sau năm 1975, gia đình anh Tiến được giữ lại phần nhà ở lầu 1. Còn tầng trệt, mặt sau và mặt tiền căn nhà được giao cho nhiều đơn vị của TP quản lý, cho thuê lại hoặc đã sang nhượng cho nhiều người khác. "Họ sang tên đổi chủ, đập đi xây mới rồi lại đập tới lui nên tòa nhà càng thêm xuống cấp", chị Thúy nói.

Rạp hát xưa của ông Nguyễn Văn Hảo từng một thời là niềm tự hào của nhiều người Sài Gòn mê cải lương, xi nê nay cũng đã thay tên đổi chủ và hiện đang tạm ngưng biểu diễn.

Anh Tiến đang là thợ làm kính ở Q.5, không muốn nói nhiều về chuyện xưa. Bởi đã bao năm qua, ba của anh là ông Nguyễn Tâm Thạnh đi nơi này nơi kia để tìm cách giữ lại những gì mà ông nội gầy dựng, rồi qua đời khi chưa đạt tâm nguyện. Bây giờ, anh Tiến và các anh chị em trong gia đình chỉ mong làm được chủ quyền chính thức phần nhà còn lại để sửa sang ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng sau 100 năm tồn tại. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.