Thông tư “Quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim” của Bộ VH-TT-DL căn cứ vào luật Điện ảnh 2022 vừa được thông qua vào trung tuần tháng 6 và các nghị định của luật, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi, sẽ trình lên Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vào tháng 11.2022; sau đó áp dụng cho cả phim chiếu rạp, phim truyền hình và phim phát hành trên không gian mạng.
Thêm mức phân loại phim dành cho trẻ em có phụ huynh đi kèm
Dự thảo thông tư gồm 6 điều và phụ lục đi kèm về tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi. So với thông tư được ban hành năm 2015, điểm mới của dự thảo thông tư lần này là không dùng chữ C13, C16, C18… như trước nữa, mà các mức xếp loại bao gồm: Loại P - phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại T18 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại T16 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T13 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại K - phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại C - phim không được phép phổ biến.
Cảnh trong phim Người tình của đạo diễn Lưu Huỳnh |
Việc có thêm phân loại K là mức xếp hạng mới xuất hiện trong thông tư phân loại phim lần này. Đây là lần đầu tiên văn bản luật của Việt Nam đề cập trách nhiệm của cha mẹ trong việc xem phim cùng con và hướng dẫn con. Dù được nhiều người trong giới điện ảnh nhận định đó là “một bước tiến rất lớn trong việc phân loại, tạo điều kiện cho khán giả nhỏ tuổi tiếp cận với sự đa dạng của phim ảnh VN và quốc tế”, nhưng không ít người vẫn băn khoăn “không lẽ phụ huynh đi xem cùng sẽ bịt mắt con trước những cảnh nhạy cảm”. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nêu ý kiến: “Ở các nước khác thì mục đích của việc dán nhãn độ tuổi là để bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên khi tiếp cận các tác phẩm điện ảnh, tránh khỏi những hình ảnh không phù hợp độ tuổi. Nếu xác định mục đích là như vậy thì chúng ta sẽ đưa ra các quy định hợp lý hơn. Ở các nước như Singapore, Mỹ, New Zealand, những người trong hội đồng quyết định việc phân loại đều là phụ huynh có con từ 5 đến 20 tuổi. Các thành viên hội đồng sẽ xem phim và quyết định phim này có phù hợp với con cái họ hay không”.
“Dán nhãn độ tuổi” là thuật ngữ quen thuộc với khán giả quan tâm đến lĩnh vực phim ảnh. Một số yếu tố được hội đồng quản lý, kiểm duyệt dựa vào để phân loại nhãn gồm: cảnh nóng - khỏa thân, bạo lực, kinh dị, ma túy và các chất kích thích… Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, đưa ra ý kiến: “Trong bảng phân loại phim, có loại C là cấm phổ biến. Tuy nhiên, chi tiết của quy định không nói rõ cụ thể phim như thế nào là cấm phổ biến. Tôi nghĩ luật Điện ảnh cần cụ thể để các nhà làm phim nắm rõ và thực hiện tốt hơn”.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng sau khi duyệt phim luôn phải có văn bản lý giải vì sao bộ phim lại được phân loại mức đó, mô tả khách quan và sơ lược những cảnh phim có tính chất bạo lực, tình dục, khỏa thân để các bậc phụ huynh dễ hình dung; đồng thời phải thể hiện rõ số lượng và thời lượng cảnh phim có tính chất này, tránh sự mơ hồ và khó hiểu khi phim bị xếp mức cao, hạn chế khán giả.
Quy định kiểm duyệt cảnh nóng chưa rõ ràng
Nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất, phát hành phim đều cho rằng thông tư mới sẽ có tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cả người xem. Hầu hết giới làm phim Việt đều mong muốn thông tư cụ thể, chi tiết, dễ thực hiện hơn, nhằm tạo đà cho sự phát triển của điện ảnh Việt.
Tuy nhiên, hiện những nội dung quy định trong thông tư phân loại phim lần này vẫn còn quá chung chung về yếu tố sexy, bạo lực, không định lượng mà chỉ định tính, đặc biệt với 2 mức phân loại cao là T16 và T18 (cấm khán giả dưới 16, 18 tuổi). Trong dự thảo khi xếp mức T16 và T18 chỉ ghi cảnh tình dục không được “mô tả thường xuyên và chi tiết”, “không kéo dài”; hoặc phim xếp T18 là vì có cảnh “hình xăm phản cảm” nhưng không nêu rõ thế nào là phản cảm… Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng thông tư khi nói về các cảnh bạo lực, tình dục, khỏa thân, ma túy, kinh dị... chỉ dùng hai cụm từ “không thường xuyên diễn ra” hay “có thời lượng kéo dài” là rất không rõ ràng. “Chúng tôi muốn biết “không thường xuyên”, “không kéo dài”, cụ thể là bao nhiêu, nên được cụ thể hóa thành bao nhiêu phần trăm thời lượng phim hoặc số phút, giây trên màn ảnh. Bởi nếu chỉ vì cảm tính mà cho rằng phim sexy, bạo lực quá, để bị ép vào mức T18 hay một mức nào khác sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu của phim khi hạn chế một lượng khán giả không được phép xem phim”, nam đạo diễn nói.
Cảnh nóng trong Bẫy ngọt ngào của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư |
ĐPCC |
Nhà sản xuất Bích Liên mong bảng tiêu chí khi triển khai sẽ có những quy định cụ thể, minh bạch hơn, để yếu tố cảnh “nóng” không còn gây tranh luận giữa các cơ quan quản lý, nhà làm phim và khán giả khi áp vào một phim nào đó để được chiếu hay bị cấm, hoặc hạn chế khán giả. Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cũng nêu ý kiến cần có sự rõ ràng và thống nhất ngay từ đầu để tránh hiểu lầm cho các nhà làm phim.
Cũng cần ghi nhận một số phim Việt gần đây không bị kiểm duyệt cắt cảnh nóng là dấu hiệu tích cực từ cơ quan quản lý, giúp các nhà làm phim không bị gò bó quá nhiều. Nhưng điều này đặt ra không ít thách thức trong quá trình quản lý khi tác phẩm phát hành, làm sao “vẹn cả đôi đường” từ phía kiểm duyệt lẫn giới làm phim, giúp điện ảnh Việt ngày càng phát triển hơn chứ không phải kìm hãm sự sáng tạo để đi thụt lùi. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhận xét luật Điện ảnh bản sửa đổi có nhiều điểm thay đổi tích cực, cởi mở hơn trong xét duyệt với mục đích chung là góp phần tạo sân chơi thoải mái cho các nhà làm phim, đồng thời phù hợp xu thế phát triển của điện ảnh quốc tế.
Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), cho biết sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý từ giới làm phim, ông sẽ cùng các bộ phận có liên quan tiến hành trao đổi thêm để đưa ra những điều khoản chi tiết nhất nhằm đảm bảo không gây ra vướng mắc gì khi áp dụng. Ngoài các thông tư, cơ quan chức năng cũng xây dựng khung chế tài xử phạt đối với các nhà phát hành, cụm rạp không đảm bảo việc khán giả xem phim đúng độ tuổi; những trường hợp không tuân thủ quy định được đưa ra.
Bình luận (0)