Hiện đại bậc nhất Đông Nam Á
NSƯT Lê Trí Tưởng, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, cho biết: “Năm 2003 được sự hỗ trợ của chính phủ Bỉ, lãnh đạo TP.HCM có giao cho Sở VH-TT lên kế hoạch xây dựng dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng với diện tích 10.000 m2 đặt tại trường đua Phú Thọ (đường Lữ Gia, Q.11, TP.HCM). Công trình do Afmea Circus Group (Bỉ), một đơn vị rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực được chọn, thực hiện phần thiết kế. Khi hoàn thành, đây có thể khẳng định là rạp xiếc và biểu diễn đa năng, hiện đại nhất Đông Nam Á hiện nay, nhưng chờ mãi vẫn mù tăm”.
Cũng theo ông Tưởng, mục tiêu của dự án không đơn thuần là nơi biểu diễn, bảo tồn và phát triển xiếc cũng như nghệ thuật múa rối, mà nơi đây còn là trung tâm đào tạo, giáo dục, tổ chức kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc, kịch, điện ảnh. Theo thiết kế, công trình có chiều cao 9 tầng (ban đầu dự kiến 11 tầng), 2 hầm với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 34.000 m2. Phòng biểu diễn chính có sức chứa tối đa trên 2.000 chỗ ngồi, có thể cùng lúc bố trí dễ dàng các chương trình biểu diễn xiếc và nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn đa năng khác. Có khu vực dành cho xiếc thú, nơi huấn luyện thông thoáng, chiều cao tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tạo sự thú vị cho du khách tới tham quan. Khu vực kỹ thuật có hệ thống bể nước biểu diễn, kỹ thuật điều khiển sàn sân khấu di động, nhà kho, phòng thú y, phòng hóa trang, nơi nghỉ cho diễn viên và một số phòng thiết kế, sản xuất phông màn, trang trí... Sân khấu hiện đại có thể cơ động để phục vụ công tác biểu diễn trên cạn và trong bể nước. “4 sân khấu băng, nước, quay, mặt gỗ chuyển động độc lập được đẩy lên bằng hệ thống thủy lực, về mặt kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế nên tổng chi phí dự kiến được bên phía thiết kế thông báo sẽ lên đến 1.500 tỉ đồng”, ông Lê Trí Tưởng nói.
|
Chờ và chờ
Là một trong những người tâm huyết với công trình này, bà Trương Ngọc Thủy, nguyên Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, tiếc nuối: “Dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng khi chúng tôi triển khai, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Tôi cũng có nhiều buổi gặp gỡ làm việc trực tiếp với đơn vị thiết kế, là những Việt kiều yêu nước nên họ nhiệt tình và tâm huyết lắm. Dù xa xôi vậy mà cứ từ Bỉ bay qua bay về để chỉnh sửa. Bây giờ có người đã mất nhưng theo tôi được biết, những người còn lại vẫn quyết tâm làm dự án này. Tiếc là cho tới giờ vẫn chưa xong”.
Một trong những nguyên nhân kéo dài, theo ông Lê Trí Tưởng là ban đầu dự toán xây dựng công trình đơn vị thiết kế đưa ra chỉ khoảng 300 tỉ đồng, nhưng qua quá trình nhiều lần chỉnh sửa, mở rộng thêm các hạng mục nên mức đầu tư tăng lên 500 tỉ đồng vào năm 2005, 700 tỉ đồng vào năm 2007 và gần đây nhất là 1.500 tỉ đồng.
Tại cuộc họp ngày 19.8.2015 của Hội đồng kiến trúc - quy hoạch TP.HCM có 10 thành viên thì cả 10 đều thống nhất với phương án kiến trúc công trình của đơn vị thiết kế, và đề nghị Sở VH-TT lập hồ sơ chuyển Sở QH-KT xem xét cấp giấy quy hoạch làm cơ sở tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay, bãi đất trống 10.000 m2 để làm dự án tại Q.11 vẫn “án binh bất động”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: “Công trình này Sở vẫn đang chờ ý kiến chấp thuận về quy hoạch của Sở QH-KT, từ giấy phép được duyệt chúng tôi mới có những thông tin làm cơ sở để trao đổi với đơn vị thiết kế tiến hành hoàn thiện dự án. Ngoài ra, chúng tôi vẫn còn chờ báo cáo tổng hợp, nội dung lấy ý kiến của các bên có liên quan về dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng nên chưa thể cung cấp thông tin được gì”. Trong khi đó, tối qua (17.5), một cán bộ Sở QH-KT TP.HCM khẳng định hội đồng đã họp thống nhất với hồ sơ thiết kế cuối cùng, không chỉnh sửa nữa và có biên bản thông qua, gửi chủ đầu tư để đề xuất báo cáo UBND TP.HCM. “Tuy nhiên, hồ sơ có lẽ đang tắc chỗ nhân viên thụ lý hồ sơ tại Sở QH-KT”, ông này nói.
Xiếc “du mục”
Trong khi dự án rạp xiếc đa năng giậm chân tại chỗ thì các nhân viên Đoàn xiếc TP.HCM phải sống “du mục” nay đây mai đó. Năm 2001, rạp xiếc ở công viên 23 Tháng 9 còn có khách du lịch nên thu đủ bù chi. Sau này thuê mặt bằng biểu diễn trong Thảo Cầm Viên nên nghệ sĩ sống lay lắt, rồi “lang thang” lên hồ bơi Lam Sơn (Q.5), Đầm Sen (Q.11), về Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và năm 2012 di dời về công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) cho đến nay. Tuy nhiên, do nằm ở khu vực xa trung tâm nên lượng khán giả và khách du lịch đến xem quá ít, đời sống kinh tế của anh em Đoàn xiếc TP.HCM cực kỳ khó khăn.
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại nghĩa tình” do HĐND TP.HCM tổ chức vào giữa tháng 3.2013, nghệ sĩ Hữu Luân bức xúc: “Có ai nghĩ một trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM thiếu thốn đến mức một rạp xiếc cho thiếu nhi mà từ ngày giải phóng đến giờ vẫn chưa có. Tôi cũng đã gặp gỡ với nhiều người có trách nhiệm để đề đạt nguyện vọng này nhưng rồi đâu cũng vào đó...”.
|
Bình luận (0)