Rau là một nguồn thực phẩm quan trọng đối với chế độ ăn uống của mỗi người. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề “rau bẩn” với lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất tồn dư trong rau củ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng.
BS dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết: Các chất độc hại, hóa chất tồn dư âm thầm phá hủy cơ thể con người. Cơ thể chúng ta phản ứng khi ăn phải những chất độc hại với triệu chứng bồn chồn, đau bụng, chóng mặt, nhức đầu, nôn ói hay tiêu chảy. Trường hợp ngộ độc mãn tính do thuốc trừ sâu, hóa chất tích tụ lâu dài có thể phá hủy gien làm cho quá trình nhân đôi gien bị sai lệch và là nguyên nhân khởi đầu cho bệnh ung thư.
Các hoạt chất này chủ yếu là thuốc trừ bệnh (Carbendazim, Difenoconazole, Tebuconazole, Propiconazole) và thuốc trừ sâu (Permethrin, Cypermethrin, Chlorpyrifos, Imidacloprid).
"Những loại rau thường tồn dư hóa chất nhiều là cải xanh, cải ngọt, bông cải, cải thìa, cải bó xôi, mồng tơi, húng cây, rau muống, cà chua… ảnh hưởng xấu đến chức năng của các cơ quan thải độc trong cơ thể như gan, thận", bác sĩ Hà chia sẻ.
Ăn "rau bẩn" với lượng hóa chất tồn dư lâu dài sẽ gây hại cho gan thận và kéo theo nhiều bệnh |
minh họa: shutterstock |
Một số hàm lượng chất tích lũy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như:
Hàm lượng Nitrat (NO3)
Sử dụng rau có chứa hàm lượng nitrat vượt mức cho phép thường không gây “ngộ độc tức thì” như thuốc hóa học, nhưng tích luỹ ở nồng cao sẽ gây nên triệu chứng làm giảm chức năng của tế bào, ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến giáp, gây đột biến và mầm phát triển các khối u.
Trong cơ thể, nitrat bị khử thành nitrit (NO2), có thể gây phản ứng với amin tạo thành chất gây ung thư gọi là nitrosamine và được thể hiện nhiều nhất là bệnh ung thư dạ dày. Chất này cũng thường có trong các loại thực phẩm hun khói, ngâm muối chua,...
Clo hữu cơ và kim loại nặng
So với thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng nhiễm độc kim loại nặng và clo hữu cơ trong thực phẩm diễn ra âm thầm hơn với những triệu chứng khó nhận biết và tồn lưu trong cơ thể rất lâu. Tùy theo từng kim loại nặng khi tích lũy vào có thể gây những bệnh khác nhau. Trong đó thành phần cadmium được tìm thấy nhiều nhất trong các loại rau sử dụng hằng ngày. Cadmium tích lũy ở thận, phổi và tiền liệt tuyến gây bệnh lý tại các cơ quan này, trầm trọng hơn là ung thư.
Chất clo hữu cơ tồn lưu trong cơ thể rất lâu, gây nhiễm độc mạn tính: rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể; sức khỏe suy nhược; phụ nữ bị các tai biến sinh sản (sinh non, thai trứng…), các dị tật bẩm sinh ở trẻ em (sứt môi, hở hàm ếch, cụt chi,...); quái thai, thai đôi dính, vô sọ… do tác động đến bộ gien ở mẹ và bố, di truyền cho các thế hệ con cháu; gây ung thư.
Các triệu chứng nói trên thường xảy ra chậm, mức độ từ nhẹ đến nặng, không đặc trưng cho ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật nên rất khó xác định nguyên nhân và dễ lầm với các bệnh khác (như suy nhược cơ thể, trầm cảm…).
Dư lượng hóa chất độc hại sẽ phá hủy cấu trúc và những hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương |
Minh họa: Shutterstock |
Chất hữu cơ tổng hợp trong thuốc trừ sâu
Thuốc trừ sâu trong thực phẩm ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của con người, trong đó căn bệnh Parkinson thường gặp ở tuổi già và có liên quan nhiều nhất nếu sử dụng những thức ăn có thuốc trừ sâu dài ngày. Dư lượng hóa chất độc hại này sẽ phá hủy cấu trúc và những hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương, gây ra những rối loạn và thoái hóa, làm giảm khả năng vận động, giảm trí lực và sức khỏe của người bị bệnh.
Do vi sinh vật gây bệnh
Nhiều nơi nông dân vẫn sử dụng phân heo, phân trâu bò, rác rưởi chưa qua xử lý để bón cho rau ăn sống, đây là hình thức truyền trứng giun, sán và các vi sinh vật gây bệnh đường phân - miệng cho con người.
BS Nguyễn Thu Hà khuyến cáo người tiêu dùng nên hạn chế dùng các loại rau trồng ở vùng sình lầy và tuân thủ ăn chín uống sôi để hạn chế vi sinh vật gây bệnh.
Cách phòng tránh những yếu tố gây hại
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng rau, BS Nguyễn Thu Hà khuyến cáo người tiêu dùng sau khi mua rau từ siêu thị hoặc chợ cần sơ chế kỹ, rửa rau với nước sạch nhiều lần (tốt nhất rửa từng lá dưới vòi nước đang chảy) kèm ngâm rau với muối, nước cốt chanh, giấm táo pha loãng... giúp loại bỏ khá nhiều lượng chất bám trên bề mặt thực phẩm.
Khi có biểu hiện ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật, hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để có thể chẩn đoán, điều trị và làm các xét nghiệm kịp thời.
Bình luận (0)