Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỉ USD, giảm 6,6% so với năm 2021 (3,55 tỉ USD). Trong ngành nông nghiệp, rau quả nằm trong nhóm 7 sản phẩm xuất khẩu trên 3 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng chi ra trên 2 tỉ USD nhập khẩu rau quả trong năm 2022, tăng 35% so với năm 2021. Như vậy, cả năm nay, rau quả xuất siêu hơn 1,3 tỉ USD.
Thị trường rau quả Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm nhập ngoại giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn, nhưng cũng đặt áp lực cạnh tranh với sản phẩm trong nước |
Quang Thuần |
Rau quả Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất đến 10 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào. Ngược lại, 10 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Myanmar, Nam Phi, Hàn Quốc, Campuchia, Ấn Độ và Thái Lan.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khẳng định Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Những tác động từ thị trường này quyết định đến tăng, giảm kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam.
6 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid-19”, thắt chặt kiểm soát gây ra ùn ứ nông sản ở cửa khẩu gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. “Ước tính có 5.000 - 6.000 container trái cây bị hư hỏng, các doanh nghiệp thiệt hại vài trăm triệu USD”, ông Nguyên nói.
Bắt đầu từ tháng 9, Trung Quốc và Việt Nam ký kết nhiều nghị định thư khiến sản lượng trái cây xuất khẩu tăng rất mạnh, bù đắp được sụt giảm cho nửa đầu năm.
Ớt nằm trong số nông sản đạt giá trị xuất khẩu cao |
Thanh Niên |
Cũng theo ông Nguyên, trong số 3,34 tỉ USD xuất khẩu rau quả thì giá trị rau củ tươi chỉ đạt 300 triệu USD (tăng 50 triệu USD so với năm 2021), phần lớn còn lại là trái cây tươi và sản phẩm rau quả chế biến.
Đối với rau củ tươi, Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu của doanh nghiệp đầu tư sản xuất hữu cơ, trồng trong nhà kính. Còn diện tích trồng đại trà chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng.
Cũng theo ông Nguyên, rau củ được xuất khẩu nhiều nhất là: ớt, khoai lang, ngô, súp lơ, đậu nành, cải thảo, đậu bắp, khoai môn, khoai tây, bí xanh, bí đỏ…Năm 2021, giá trị xuất khẩu rau củ đạt 250 triệu USD thì ớt chiếm 63 triệu USD; khoai lang hơn 37 triệu USD; súp lơ 17 triệu USD; ngô 16 triệu USD.
"Tỏi, cải thảo, đậu bắp, khoai môn, đậu nành, bí… mỗi loại mang về vài triệu USD”, ông Nguyên nói.
Trong nhóm quả, thanh long là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mỗi năm đạt trên 1 tỉ USD; sau đó đến chuối, mít, sầu riêng, xoài... Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng vươn lên mạnh mẽ, vượt cả thanh long. 3 tháng cuối năm, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 300 triệu USD.
Áp lực nâng cao chất lượng, mẫu mã
Cũng theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong hơn 2 tỉ USD Việt Nam chi ra nhập khẩu rau quả, nhóm rau củ chiếm 20% và 80% là trái cây. Trong đó, Trung Quốc chiếm thị phần nhiều nhất trên 40%, Mỹ 17%, Úc 9%, New Zealand 7%, Hàn Quốc 2,8%, Thái Lan 2,4%...
Trong đó, nhóm rau quả từ Trung Quốc mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là: khoai tây, hành tây, tỏi, cải thảo, bắp cải, nấm, cam, quýt, nho, lê, táo, lựu… Trong nhóm quả, táo, nho, lê là những sản phẩm được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc…
Trong tháng 10, sầu riêng vượt thanh long trở thành trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc |
TỔNG Cục Hải quan |
"Việt Nam phải nhập khẩu nhiều rau quả từ nhiều nước là hết sức bình thường, khi ở những thời điểm không phải là mùa vụ hoặc những sản phẩm không có lợi thế sản xuất. Ví dụ như trái ớt, Việt Nam xuất khẩu rất mạnh nhưng có thời điểm không trồng được thì phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Myanmar, thậm chí là Campuchia", ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cũng cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đang có giao thương xuất nhập khẩu rất lớn đối với hàng rau quả và Trung Quốc đang là thị trường xuất siêu lớn nhất.
"Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1,3 - 1,4 tỉ USD và chi ra 700 - 800 triệu USD nhập khẩu. Trong khi các thị trường khác như Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam vẫn đang nhập siêu", ông Nguyên nói.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định, tỷ lệ rau quả nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều là xu hướng không thể tránh khỏi. Việt Nam hiện tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Các nước mở cửa thị trường, có lộ trình giảm thuế... thì Việt Nam cũng phải tuân thủ. Điều này giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, được hưởng giá rẻ hơn, làm tăng sức mua.
“Điển hình là nho Mỹ, trước đây giá bán 300.000 - 400.000 đồng/kg nhưng hiện nay nhiều loại thuế bị đã bị cắt, giá đến tay người tiêu dùng chỉ còn trên dưới 200.000 đồng/kg", ông Nguyên nói.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Rau quả vẫn xuất siêu thì chưa đến mức đáng lo là hàng nhập ngoại lấn át sản phẩm trong nước. Nhưng xu thế này đặt ra áp lực cho việc sản xuất trong nước phải thay đổi để nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói, từ đó tăng sức cạnh tranh trước hàng nhập ngoại và quan trọng nhất là không để người tiêu dùng mất niềm tin về an toàn thực phẩm".
Bên cạnh đó, ông Nguyên cho rằng, rau quả nhập khẩu có phân khúc riêng, phục vụ khách hàng thu nhập cao. Còn đại đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn chuộng rau quả nội địa hơn.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2022, táo là trái cây được nhập về nhiều nhất, đạt giá trị 214 triệu USD (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021); nguồn nhập lớn từ New Zealand, Trung Quốc, Mỹ…
Còn theo Hiệp hội Táo của Mỹ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của quả táo Mỹ. Trong ngành xuất khẩu táo, Mỹ đã ghi nhận con số kỷ lục, Việt Nam nhập khẩu 2 triệu thùng/năm, tương đương khoảng 40.000 tấn.
Sau táo, nho cũng là trái cây được nhập khẩu nhiều, đạt gần 160 triệu USD (tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2021); nguồn nhập khẩu chính từ Úc, Mỹ, Trung Quốc…
Bình luận (0)