Đã tên rau lại mang phận rừng, ngon sạch bổ khỏe, khiến vạn kẻ đều mê.
Vào nhà hàng hạng sang bây giờ, rau ngon cỡ như tiến vua ngày nào cũng chỉ mới dừng ở vòng gửi xe.
Để ngự được lên bàn tiệc, phải là rau rừng, cùng những tên tuổi đỉnh cao đúng theo nghĩa đen, ấy là mọc nơi thâm sơn cùng cốc, cheo leo vách đá, đủ sức khỏe dồi dào chọi qua màn sương lạnh, đủ nguyên vẹn hình hài - không dập úng khi di chuyển quãng đường xa tê tái từ non cao về quán xá thị thành.
Từ những tên tuổi lạ hoắc huơ, với sơn máu, sao nhái, chùm bối hay lỗ bình, tầm bóp, đến ngót rừng, đọt mọt... mới xưng danh thế thôi đã khiến nhiều vị giác thực khách phải đong đưa cơn thèm.
Không chỉ tò mò mà ngon thật sự
Cái cớ khiến dân tình mê tít, xoắn xuýt không buông khi đã gặp rau rừng, ban đầu là tò mò vì tên lạ, kế đến là kết duyên bởi em sạch, thứ nữa không thể phủ nhận là em... ngon.
|
Cái “ngon” của em rau rừng, đấy là ngon từ ngoại hình. Quả thật với thanh nhã đơn sơ như sắng, râu ria loằng ngoằng như bò khai, loăn quăn và băn khoăn như dớn, hay mũm mĩm chúm chím khêu gợi như tầm bóp... đều khiến khách dưới xuôi cứ gọi là mê tơi kính cẩn.
Qua đến vị, nét độc chiêu của rau rừng, ấy là độ thuần khiết nhờ bám tuốt với nắng gió mưa sa cùng thổ nhưỡng nuột nà, mỗi loại rau, lại mang một cá tính dị biệt mà ông rau nhà ăn phân hóa học, dẫu có tu luyện chín kiếp cũng khó thành.
Rau rừng đem chiên, xào, bào mỏng, bóp gỏi, luộc nhừ... kiểu chế biến nào cũng khiến những khẩu vị khó tính nhất phải giật mình kinh hãi bởi độ ngọt, ngon, thơm, giòn... ngây ngất nhớ.
Quà rừng trên bàn tiệc thành thị
Ví dụ cho cái sự phê với rau rừng đang sốt xình xịch trên mâm cơm Việt ở những chốn hạng sang khắp Sài Gòn, có thể lôi em rau lủi ra làm vật tế thần. Lủi ở đây là “lủi” đúng một chữ thiệt tình, không phải thêm cái “húng” vào “lủi” ở họ rau thơm.
Kỳ thực, lủi chỉ là tên cúng cơm, còn mỹ miều phải gọi em ấy là kim thất tai. Tả qua ngoại hình, em lủi này thân chẳng gầy, lại có tí tim tím phớt xanh, cọng to gần đầu đũa, xuất xứ từ miệt khúc giữa ở Gia Lai chồm cả qua Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Không cần mông má diêm dúa lủi chi cho mệt, chỉ cần luộc, một miếng gắp chao qua nước chấm (kho quẹt hay mắm y, gì cũng hợp), cắn nhát đầu tiên để giật mình khi nghe đánh sựt - rau gì giòn giữ. Kế tiếp là độ nhớt khi nhai, tựa mồng tơi, tiếp nữa là mùi hăng nồng như đọt cóc, lại thoảng ngái thơm như lá thuốc sắc thang, nuốt trôi đến đâu, cái ngọt hậu, thanh mát chế ngự đến đấy.
Chưa kể vô số các loại dược tính kèm trong lủi, có khả năng giải độc, thanh nhiệt, tiêu viêm, trị viêm họng, nội thương, tốt cho các bậc tiểu đường... nhiêu đó thôi, đủ khiến lủi về thành, chưa kịp nóng chỗ nơi bếp chứa đã hết veo trên bàn tiệc.
Đình đám trong dòng rau rừng Tây Bắc có em dớn. Dớn trong ẩm thực người Thái ở Lai Châu, Sơn La, người H’mông, Dao ở Hà Giang... đều ngon tuyệt dưỡng. Trong mâm cơm Thái với kính thưa lủ khủ xôi vò, gà đen, lợn bản, trâu khô, canh da trâu, trứng kiến... thứ khiến khách miền xuôi nức nở nhất không gì khác hơn dớn.
Dớn thuộc họ dương xỉ, mọc quanh bờ đá, suối rêu, được thỉnh từ hang hốc về nhà, qua ngón búp ngón măng các cô em dân tộc, dớn vày qua nước sôi, bị vần vò tơi tả, được rẩy chút hành phi, đậu phộng chiên giòn, vật lộn đều cùng chanh, tỏi, giấm, mắm... có thế thôi mà nộm dớn khi lên bàn tiệc, thường là món bị kết liễu sớm nhất.
Đi xa hơn như Hoàng Su Phì, Mã Pì Lèng, trong mỗi mâm cơm bản, ngoài dớn, còn có thêm cả rau ngót rừng (sắng), đến bò khai, và đặc biệt không thể nguôi ngoai, chính là tầm bóp. Ba em rau rừng này, có hai kiểu ăn đê mê nhất là kèm cùng nồi lẩu, hoặc xào tỏi cay nồng.
Chưa cần tả chuyện ngon, chỉ tính giá trị hiện hữu mấy em rau chân quê ấy thôi, mua ngay tại bản, cũng đã tính ngang cùng cá suối, lợn tên lửa, cút rượu quê...
Quý nhau giờ không chỉ món quà quê là gà, là vịt mà với người thành phố quý nhau tặng chút rau rừng còn tươi roi rói...
Bình luận (0)