Rau ruộng trộn VietGAP - Kỳ 2: Người tiêu dùng bị lừa

02/12/2014 05:10 GMT+7

Chỉ một phần nhỏ rau đóng gói đạt chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận, còn lại hoàn toàn là hàng trôi nổi. Thế nhưng, người có trách nhiệm vẫn “nổ” là “đều đạt chuẩn VietGAP ”.

Không được cấp chứng nhận sơ chế, HTX Ngã Ba Giồng vẫn sơ chế trước khi đi giao cho siêu thị, trường học
Không được cấp chứng nhận sơ chế, HTX Ngã Ba Giồng vẫn sơ chế trước khi đi giao cho siêu thị, trường học - Ảnh: Hoài Nam

Sản phẩm rau VietGAP của HTX Phước An đóng trong ngày 16.11 nhưng tới trưa đã thối gốc
Sản phẩm rau VietGAP của HTX Phước An đóng trong ngày 16.11 nhưng tới trưa đã thối gốc

“Trồng bình thường mới bán được”

Anh Trần Văn D. ngụ ấp 1, xã Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn) cho biết từ năm 2011 nghe mô hình trồng rau VietGAP an toàn, anh đi học và về trồng thử nghiệm. Sau đó, anh mang mẫu rau đi kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận VietGAP có giá trị thời hạn một năm. Nếu làm theo đúng mô hình từ phân bón, thuốc trừ sâu đều phải cách ly ít nhất là 7 - 10 ngày trước khi thu hoạch. Nhưng sau khi phun thuốc 4 ngày là bị sâu tấn công, nên anh buộc phải tiếp tục sử dụng thuốc. “Nếu không dùng thuốc, rau xấu, mấy lần bị HTX trả về, lúc đó rau không bán cho ai được”, anh D. nói và cho biết đến khi chứng nhận VietGAP hết hạn, anh không trồng theo mô hình VietGAP nữa. “Nếu trồng rau theo mô hình VietGAP rau xấu lắm, không ai mua cả. Còn trồng kiểu bình thường rau lại đẹp, bán được. Em bị HTX trả về rồi nên giờ em không trồng theo VietGAP nữa. Chứng nhận VietGAP của nhà em hết hạn 2 năm rồi, em trồng bình thường vẫn giao cho HTX Ngã Ba Giồng thôi có sao đâu”, anh D. cho biết.

 

Hiện tại rau các loại mang thương hiệu VietGAP ở hệ thống siêu thị đang bán lẻ giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Ở cửa hàng của Vissan giá từ 20.000 - 24.000 đồng/kg. Còn rau các loại bán lẻ ở chợ đến tay người dùng giá từ 6.000 - 12.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Yên, Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp và dịch vụ Ngã Ba Giồng (HTX Ngã Ba Giồng) khẳng định đơn vị là HTX đi đầu của TP.HCM về rau an toàn. Hiện HTX Ngã Ba Giồng có 52 xã viên, trong đó 22 xã viên trực tiếp trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và đều được cấp chứng nhận. Hằng ngày, khi xã viên giao rau, ông cho công nhân sơ chế, khoảng 7 giờ tối sẽ có hai xe ô tô vận chuyển đi giao cho hệ thống siêu thị và trường học ở TP.HCM. PV hỏi nhà sơ chế có cấp phép theo tiêu chuẩn VietGAP không, ông Yên thừa nhận “vì chưa đủ điều kiện nên chưa được cấp”. PV đề nghị được xem giấy chứng nhận VietGAP của 22 xã viên, ông Yên phân bua: “Cái này phải nói thật, mô hình này vừa làm xong trả lại hết không giữ giấy lại đâu. Trước khi xây dựng mô hình là chọn hộ đưa lên ủy ban xác nhận xong mới đưa về trạm. Trạm sau đó đẩy về sở nông nghiệp. Sở chấp nhận và ký thì người ta mới chuyển tiền qua để làm. Những hồ sơ như vậy họ giữ mình đâu có quyền giữ, để người ta thanh toán tiền của nhà nước...”.

“Nổ” tung trời!

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng, Tổ trưởng Liên tổ rau an toàn Tân Trung (ấp Đình, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi), cho biết Liên tổ rau an toàn Tân Trung có 30 đến 50 xã viên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi ngày tổ rau của ông xuất khoảng 5 tấn cho hệ thống siêu thị và trường học ở TP.HCM. “Chất lượng thì ngày càng phải cao lên, vì tôi đã làm với hệ thống siêu thị 15 năm nay rồi”, ông Hoàng tự hào. Khi PV đề nghị được xem giấy chứng nhận VietGAP của các xã viên, ông Hoàng lục lọi một hồi rồi đưa ra một tờ giấy do Công ty cổ phần và giám định khử trùng FCC chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho vỏn vẹn 10 xã viên của Liên tổ rau an toàn Tân Trung!

HTX Phước An là HTX khá chuyên nghiệp trong mô hình sản xuất rau VietGAP, từ nhà sơ chế cho tới nhà lưới của các hộ dân. Chiều 11.11 làm việc với PV, ông Phan Minh Khải (Kế toán trưởng HTX) cho biết năm 2014 có 14 hộ dân trồng rau theo quy trình VietGAP được Ngân hàng Phát triển châu Á - Thái Bình Dương tài trợ 1 triệu USD để làm 14 nhà lưới cho xã viên. Hiện mỗi ngày HTX Phước An cung cấp 7 tấn rau củ quả cho hệ thống siêu thị của TP.HCM. Về số xã viên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Khải cho biết có 43 hộ được cấp chứng nhận VietGAP, riêng Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TP.HCM) cấp cho 13 xã viên. Nhưng khi PV đề nghị được xem giấy chứng nhận thì ông Khải từ chối với lý do “danh sách ở trong tủ của chủ nhiệm, không có chìa khóa”. PV tìm trong danh sách của Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp cấp chứng nhận cho nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở TP.HCM, thấy chỉ có 8 xã viên của HTX Phước An. Vào website của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) là nơi tổng hợp toàn bộ cá nhân, tổ chức trên cả nước được cấp chứng nhận VietGAP, thì thấy HTX Phước An có tổng cộng 16 xã viên được cấp chứng nhận VietGAP.

Chiều 18.11, trao đổi với PV, ông Huỳnh Long Phú, Giám đốc Công ty Hiệp Nông, cho biết: “Năm 2010, tôi về mở công ty chuyên lấy rau của những người dân và doanh nghiệp đã được Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp cấp chứng nhận VietGAP. Mỗi ngày vào sáng sớm tôi có 10 chiếc ô tô vận chuyển từ 6 đến 8 tấn rau các loại giao cho hệ thống siêu thị, trường học, khách sạn, nhà hàng...”. PV hỏi cụ thể là những hộ dân nào, ở đâu, cung cấp rau gì thì ông Phú cho biết có nhiều hộ dân, nhưng có 6 hộ cố định ở xã Trung Lập Hạ (H.Củ Chi) chuyên cung cấp rau cải xanh, cải ngọt, mùng tơi mỗi ngày bình quân 100 đến 500 kg/hộ. Doanh nghiệp thì có Ngã Ba Giồng. Thế nhưng, theo danh sách các hộ dân đã được Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp cấp chứng nhận VietGAP cho các nông dân ở TP.HCM, ở xã Trung Lập Hạ chỉ có 3 hộ dân được cấp chứng nhận VietGAP và chủng loại là bí xanh, mướp khía, khổ qua!

“Tiền còn thiếu sao dám đòi VietGAP”

HTX nông nghiệp Thỏ Việt (sau đây gọi tắt là HTX Thỏ Việt) từng được báo chí ca ngợi thành công nhất với mô hình rau VietGAP. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (Chủ nhiệm HTX) từng phát biểu với báo chí HTX có hơn 100 xã viên, mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường từ 60 - 90 tấn rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2014 HTX Thỏ Việt còn là một trong 476 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn hàng VN chất lượng cao.

Ngược lại, nông dân trồng rau thì khẳng định HTX Thỏ Việt lấy rau trôi nổi rồi về đóng mác VietGAP... Anh Thuận (ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi), thuê 4.000 m2 đất trồng rau cải, rau muống, rau dền bỏ mối cho HTX Thỏ Việt và Công ty Hiệp Nông (Q.12), khẳng định “trồng rau vừa bán ngoài chợ, vừa giao cho Thỏ Việt và Hiệp Nông” và việc trồng rau không ai cấp chứng nhận, hay kiểm tra quy trình. Tương tự, những người đang trồng rau cải, dền, mồng tơi... bỏ mối cho HTX Thỏ Việt như chị C., anh K., chị L. (trồng rau sát văn phòng HTX Thỏ Việt) khẳng định: “Tụi tôi chỉ biết hằng ngày làm rau bán cho HTX Thỏ Việt, còn chứng nhận VietGAP có ai cấp đâu. Tiền rau Thỏ Việt còn thiếu chúng tôi hàng chục triệu đồng có trả đâu thì sao dám đòi VietGAP”.

PV trong vai nông dân liên lạc với một người tên Lắm phụ trách kinh doanh, sản xuất của HTX Thỏ Việt, xin được bỏ rau vì “làm biếng ra chợ”. Lắm gợi ý có hai cách, một là làm công, hai là hợp đồng bán rau tháng. “Tiêu chuẩn chỉ cần rau đẹp là được, nếu rau ổn định và đẹp tôi mua giá chết 5.300 đồng/kg, còn làm công là 5 triệu đồng/tháng…”, Lắm nói. Khi PV đồng ý làm công, Lắm hướng dẫn xuống Trại giống cây Đồng Tiến 2 ở ấp 3, xã Phạm Văn Cội (H.Củ Chi) để xem đất. Bên trong khu đất rộng hàng chục héc ta, có các loại cây như dưa leo, khổ qua, ớt... Tìm hoài vẫn không hề thấy khu vực trồng rau, PV hỏi anh công nhân đang bơm thuốc trừ sâu cho dưa, anh này chỉ vào khu nhà lưới, nhưng vào tới nơi toàn cỏ dại mọc um tùm.

Theo danh sách những hộ dân (hoặc xã viên HTX) đã được Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TP.HCM) cấp chứng nhận VietGAP, HTX Thỏ Việt chưa có xã viên nào được cấp. Chỉ có cá nhân bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc được cấp chứng nhận VietGAP đến ngày 20.4.2016, địa chỉ cấp ở ấp 3, xã Phạm Văn Cội (H.Củ Chi).

Hoài Nam

 >> Rau ruộng trộn VietGAP
>> Nông dân muốn từ bỏ VietGAP
>> Kiên Giang: Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP
>> Tự tạo cơ hội: Đưa rau VietGAP ra tận chợ
>> Rau VietGap khó tiêu thụ
>> Nông dân trồng rau VietGAP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.