Rề rà xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

01/06/2022 06:51 GMT+7

Tình trạng nợ BHXH dai dẳng là điều đáng lo ngại, khi các doanh nghiệp để nợ kéo dài, các cơ quan liên quan chưa quyết liệt vào cuộc. Với thực trạng này, người lao động sẽ gánh hậu quả...

Từ cuối năm 2020 đến nay, cứ mỗi tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đều công khai danh sách các doanh nghiệp (DN), công ty nợ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) lên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Theo thống kê của BHXH TP.HCM, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tại TP.HCM tính đến ngày 31.5.2022 hơn 6.965 tỉ đồng, chiếm 9,50% so với kế hoạch thu của BHXH VN giao cho BHXH TP.HCM. Trong khi đó, số nợ BHXH tại TP.HCM năm 2021 hơn 3.702 tỉ đồng.

Người dân TP.HCM làm thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH

KHÁNH TRẦN

Quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng

Việc các DN, công ty nợ BHXH dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, đặc biệt là NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đời sống, không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất...

BHXH TP.HCM cho hay cần sự phối hợp, sự vào cuộc quyết liệt và chung tay của các cơ quan chức năng. Về phía đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của NLĐ về BHXH, BHYT; thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, làm việc với những đơn vị có số nợ lâu; tăng cường công tác thanh tra của đơn vị hoặc thanh tra liên ngành; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra... Đồng thời, phía các quận, huyện và TP.Thủ Đức cần hỗ trợ cơ quan BHXH trong việc xác minh tình trạng hoạt động của DN để giảm số “nợ ảo” do đơn vị ngưng hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan BHXH.

Trong khi đó, thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như hỗ trợ NLĐ ngừng việc hay tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị quyết 68/2021; chính sách hỗ trợ NLĐ từ nguồn kết dư của Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116/2021 và gần đây nhất là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều đáng lưu ý, một trong những điều kiện để NLĐ thụ hưởng các chính sách này là có xác nhận của cơ quan BHXH về việc tham gia BHXH. Chính vì vậy, theo BHXH TP.HCM, khi DN nợ BHXH, NLĐ còn bị ảnh hưởng đến việc xác nhận quá trình tham gia BHXH khi họ nghỉ việc; chỉ được xác nhận đến thời điểm đơn vị nộp đủ tiền hoặc ảnh hưởng đến số tháng hưởng của gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN.

Nhiều đơn vị nợ dai dẳng

Từ cuối năm 2020, phía BHXH TP.HCM đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố hình sự hàng chục DN, đơn vị về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN về cơ quan điều tra của công an các quận, huyện TP.HCM. Tuy nhiên cho đến nay, khi xem danh sách những DN bị “bêu tên” trên website của BHXH TP.HCM, vẫn thấy những đơn vị “quen thuộc” xuất hiện như: Công ty CP dược phẩm Pha No (nợ đóng BHXH cho 171 lao động đã 21 tháng, với số tiền hơn 14 tỉ đồng), Công ty CP tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (nợ đóng BHXH cho 73 lao động đã 50 tháng với hơn 14 tỉ đồng), Công ty CP dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (nợ đóng BHXH cho 107 lao động đã 50 tháng với hơn 33 tỉ đồng)...

Theo BHXH TP.HCM, đối với những DN, công ty đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT mà vẫn không khắc phục số tiền nợ thì BHXH TP.HCM sẽ chuyển hồ sơ thanh tra sang cơ quan công an để khởi tố hình sự. Tuy nhiên, đến nay chưa có DN nợ nào bị khởi tố hình sự để chủ DN thấy rõ hậu quả khi vi phạm pháp luật về BHXH.

Mặt khác, việc nợ BHXH của các DN kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Nhiều tổ chức, DN gặp khó khăn và cũng dựa vào tình hình dịch Covid-19 cố tình để nợ, không trích đóng BHXH. Đồng thời, đến nay vẫn chưa có hướng xử lý các DN ngừng hoạt động kéo dài hoặc chờ phá sản, giải thể; chủ DN bỏ trốn không có khả năng thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Vì sao chưa khởi tố hình sự ?

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho biết dấu hiệu cấu thành tội “trốn đóng BHXH” là người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, trốn đóng từ 50 triệu đồng; từ 10 người trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này. Nếu đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm những điều trên thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn khung hình phạt tùy mức độ, số tiền trốn đóng mà có thể hình phạt từ phạt tiền hoặc phạt tù cao nhất 7 năm tù.

Theo LS Hậu, đó là hình phạt đối với cá nhân phạm tội, còn pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.

LS Nguyễn Văn Hậu cho hay Nghị quyết 05/2019 của Hội đồng thẩm phán cũng hướng dẫn chi tiết về xử lý tội trốn đóng BHXH, trong đó nêu “gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH”.

Quy định đã có, nhưng theo LS Hậu, thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào do nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng khi cho rằng muốn xử lý hình sự phải chứng minh được DN trốn đóng BHXH. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, người sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng BHXH mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi hứa đóng. “Hướng dẫn phải quy định rõ thế nào là chậm đóng, trốn đóng BHXH. Hoặc chậm đóng trong bao lâu, nhưng không đóng thì coi như trốn đóng BHXH”, LS Hậu nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.