Khi Quyền Linh xin lỗi về việc quảng cáo sản phẩm chất lượng bất ổn, anh cho thấy mình hành xử trung thực, không lấp liếm…
Cùng với những công dân khác, nghệ sĩ xây dựng giá trị của xã hội. Với nghề nghiệp của mình, cách xây dựng của họ cũng đặc thù, đó là truyền đi các thông điệp rộng rãi, qua cả tác phẩm lẫn phát ngôn cá nhân. Một chiến dịch vận động có nghệ sĩ tham gia phát ngôn dễ lan tỏa, các nhãn hàng cũng có xu hướng dựa vào nghệ sĩ để phát đi thông điệp.
Vì thế, việc nghệ sĩ phát ra các thông điệp phi nhân văn, trái đạo đức, trái pháp luật là điều xã hội văn minh khó chấp nhận. Nó không chỉ thể hiện nhận thức yếu kém của nghệ sĩ, mà còn thể hiện thái độ coi thường, thách thức công chúng theo kiểu mình đã nổi tiếng rồi, sợ gì không nói. Chỉ có điều, công chúng khi trao quyền lực vào tay nghệ sĩ thì chính họ cũng có thể thu hồi quyền lực này bằng cách lên án, tẩy chay. Với các thông điệp trái pháp luật, cơ quan quản lý cũng sẽ vào cuộc.
Có thể coi phát ngôn của nghệ sĩ cũng là một loại tài năng. Qua đó, nghệ sĩ thể hiện sự cầu tiến, những quan điểm nhân văn, sự chia sẻ với cộng đồng qua năm tháng. Cũng không lo việc nghệ sĩ “thảo mai”, nói thế này làm thế khác. Khi các thông điệp phát ra còn đó, chúng sẽ trở thành thước đo cho hành động của họ. Nghệ sĩ không thể nói đạo đức, rao giảng khi sống trên một căn nhà xây trái phép, hoặc cố tình chậm chuyển tiền quyên góp của người hâm mộ cho đồng bào khó khăn…
Giữ gìn phát ngôn, nói cho cùng, cũng là một cách rèn luyện phẩm chất của chính nghệ sĩ. Ở đó, họ phải đấu tranh với sự tự mãn của bản thân để không có những lời kiêu ngạo. Họ cũng trau dồi hiểu biết xã hội để nhìn các vấn đề cho phù hợp, nhân văn. Họ cũng học cách yêu thương khi biết chia sẻ, học cách dũng cảm để lên tiếng trước cái ác…
Rèn giũa phát ngôn, vì vậy, cần được nghệ sĩ thực hiện thường xuyên, chứ không phải chỉ khi nhãn hàng chuẩn bị hủy hợp đồng, người hâm mộ đòi tẩy chay vì những lời lẽ phản cảm mới giật mình… xin lỗi.
Bình luận (0)