Reuters: Việt Nam, Hàn Quốc có thể mua máy bay P-3, S-3 của Mỹ

06/06/2016 10:04 GMT+7

Việt Nam và Hàn Quốc có thể mua máy bay trinh sát biển P-3 Orion và S-3 loại đã qua sử dụng và được tân trang, hãng Lockheed Martin (Mỹ) tiết lộ ngày 5.6, theo Reuters.

Reuters ngày 6.6 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của quân đội Việt Nam hay Việt Nam có thể mua một số vũ khí của Mỹ sau khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam vừa qua.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh tại Đối thoại Shangri-La ngày 5.6 cho biết: “Chúng tôi không chắc chắn có thể mua gì từ Mỹ hoặc về những gì chúng tôi muốn mua”.
Trả lời phỏng vấn Reuters tại triển lãm hàng không ở thủ đô Berlin (Đức), ông Clay Fearnow, một giám đốc phụ trách nhánh hàng không của Lockheed Martin cho Reuters biết Việt Nam dự kiến đề nghị phía Lockheed Martin chính thức báo giá và cung cấp đầy đủ thông tin về 4 hoặc 6 máy bay P-3 Orion đã qua sử dụng, loại được Hải quân Mỹ dùng, trong vòng vài tháng tới.
Nếu Việt Nam quyết định mua, những chiếc P-3 mà Hải quân Mỹ không còn sử dụng đang lưu giữ ở một nghĩa địa máy bay trong sa mạc tại Mỹ sẽ được tân trang lại với cặp cánh mới, hệ thống điện tử dò tìm tàu ngầm mới cho Việt Nam, ông Fearnow nói.
Các sĩ quan Hải quân Việt Nam lên máy bay săn ngầm P-3C Orion của Không đoàn VP-47 Hải quân Mỹ ở Hawaii ngày 13.4.2016 Không đoàn VP-47
Theo ông Fearnow, giá mỗi chiếc P-3 cũ được tân trang có thể vào khoảng 80-90 triệu USD, và Lockheed Martin từng bán P-3 cho Đài Loan với giá này.
Kể từ năm 2008, Lockheed Martin sản xuất cánh mới và tân trang lại trên 90 máy bay P-3 Orion cho một số nước và lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Na Uy, Đài Loan, Chile và Đức, theo ông Fearnow.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chưa thể bình luận về thương vụ P-3 hay S-3 như Reuters nói khi Bộ này chưa chính thức trình lên Quốc hội Mỹ.
Hàn Quốc thì muốn mua những chiếc cánh máy bay mới cho những chiếc P-3 của nước này và có thể mua thêm 12 chiếc S-3 của Hải quân Mỹ đang lưu giữ trong sa mạc sau khi được cho “nghỉ hưu” vào năm 2009, ông Fearnow nói thêm.
Hãng Boeing (Mỹ) cũng nỗ lực tiếp thị máy bay trinh sát biển P-8 Poseidon, nhưng loại này mới hơn và có giá đắt hơn P-3. Một đối thủ khác là máy bay trinh sát biển chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải C-295 của hãng Airbus.
Máy bay trinh sát biển S-3B Viking cất cánh từ tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln, tháng 8.2002 Hải quân Mỹ
Hãng Lockheed Martin tiết lộ thông tin trên giữa lúc các quốc gia ở châu Á đang gia tăng chi tiêu ngân sách sắm nhiều khí tài quân sự từ tàu ngầm đến chiến đấu cơ, máy bay trinh sát được cho là nhằm đối phó sự bành trướng của Trung Quốc trên biển, theo phân tích của hãng tin Bloomberg (Mỹ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.